Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập
Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh; đại diện một số sở, ngành, doanh nghiệp (DN).
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. |
Phát biểu đề dẫn hội nghị, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, thời gian qua, thị trường KH&CN đã được hình thành, từng bước hoàn thiện và đạt được một số kết quả nhất định; bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN được hình thành, từng bước được kiện toàn từ trung ương đến địa phương.
Đến nay, hơn 800 tổ chức trung gian thị trường KH&CN đã được hình thành, trong đó có hơn 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, 1 sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc bộ; cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và nền tảng dữ liệu, dịch vụ sở hữu công nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, giá trị giao dịch hàng hoá KH&CN tăng với tốc độ bình quân hàng năm đạt 22%...
Tai Bắc Giang, giai đoạn 2015-2020 tỉnh tiếp nhận triển khai 28 đề tài, dự án KH&CN cấp quốc gia, trong đó có 18 nhiệm vụ có chuyển giao về công nghệ; triển khai 88 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh. Từ khi Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị tỉnh được hình thành (năm 2014) đến nay đã cung cấp, chào bán hơn 3 nghìn công nghệ, thiết bị, sản phẩm KH&CN, thu hút hàng triệu lượt truy cập, tìm kiếm, khai thác thông tin về các công nghệ, thiết bị...
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến cho rằng dù đã có những bước chuyển tích cực song so với nhu cầu thực tiễn và so với các thị trường khác, thị trường KH&CN còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc. Do đó phát triển thị trường KH&CN một cách mạnh mẽ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, để phát triển thị trường KH&CN cần bố trí nguồn lực vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, làm trụ cột cho công nghiệp trong nước. Có ý kiến đề nghị cần xây dựng nhiệm vụ KH&CN dài hạn gắn các nhà khoa học thực hiện đến sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh, nhất là các công nghệ nguồn, công nghệ lõi; khuyến khích, hỗ trợ các DN tham gia đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ cao nhằm mục đích chuyển giao cho DN sau khi hoàn thiện công nghệ.
Theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường về chất trong các ngành công nghệ cao như: Điện, điện tử... Các cơ chế khuyến khích đầu tư của Chính phủ cùng tư duy đổi mới sáng tạo của DN sẽ góp phần giúp việc chuyển giao công nghệ diễn ra suôn sẻ và mang lại hiệu quả cao nhất cho các bên.
Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang. |
Để thúc đẩy hợp tác quốc tế nắm bắt công nghệ lõi, phát triển công nghệ mới, có ý kiến đề xuất cần xây dựng các chương trình hợp tác trong đào tạo, trao đổi nhân lực, nghiên cứu khoa học với các tổ chức, đơn vị nước ngoài; tham gia, tổ chức các hội nghị chuyên đề quốc tế về các lĩnh vực KH&CN trọng điểm. Cùng đó thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài tham gia trong quá trình nghiên cứu đánh giá các nhiệm vụ KH&CN, sử dụng các chỉ số KH&CN theo tiêu chuẩn quốc tế trong thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về KH&CN...
Một số ý kiến đề nghị cho phép các địa phương thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, đổi mới cơ chế quản lý. Cùng đó Chính phủ chỉ đạo các bộ nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến Quỹ phát triển KH&CN trong DN, bảo đảm khả thi, đồng bộ; cho phép DN tự chủ, tự quyết định sử dụng Quỹ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thị trường KH&CN ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Đảng luôn xác định ứng dụng KH&CN trong phát triển là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất trong phát triển KT-XH, bảo vệ Tổ quốc và là một trong 3 đột phá chiến lược cần được ưu tiên đầu tư trước một bước của các ngành, các cấp.
Đồng chí lưu ý, với nước đang phát triển, chuyển đổi nền kinh tế như Việt Nam thì quá trình phát triển thị trường KH&CN không được nóng vội mà cần chắc chắn, bình tĩnh, thận trọng để có bước đi phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, làm đến đâu chắc đến đó. Để phát triển thị trường KH&CN cần phải lấy nghiên cứu là nền tảng, nhà khoa học làm động lực và DN làm trung tâm để huy động tối đa nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN ra nhập chuỗi sản xuất. Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường KH&CN một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp hoàn cảnh nước ta và thông lệ quốc tế.
Trước mắt, tập trung xây dựng và triển khai đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh theo hướng giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN.
Đầu tư, nâng cấp và phát triển sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch công nghệ tại các TP lớn và một số sàn giao dịch công nghệ cấp vùng có vai trò đầu mối, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức trung gian khác thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường KH&CN. Liên kết các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, các sàn giao dịch công nghệ vùng, địa phương; phát triển mạng lưới các điểm kết nối cung - cầu trong cả nước về thị trường KH&CN, thực hiện liên thông giữa thị trường KH&CN trong nước với quốc tế.
Hỗ trợ cung cấp thông tin một cách hệ thống về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với chuyên gia KH&CN là người nước ngoài và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam. Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, trang thông tin điện tử tương tác, các ứng dụng trên các phương tiện số cầm tay cũng như ứng dụng tiện ích mạng xã hội hỗ trợ người sử dụng cũng như các DN.
Về các ý kiến tại hội nghị, đồng chí đề nghị Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu, tổng hợp để tham mưu Chính phủ có những chỉ đạo nhằm phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị liên quan cần đưa giải pháp để có những sản phẩm cũng như kết quả tích cực trong phát triển thị trường KH&CN, đóng góp vào mục tiêu phát triển KT-XH chung trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)