Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT-XH
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang:
Tạo mọi điều kiện đưa khoa học, công nghệ đến người dân
Với phương châm tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ, phát huy nội lực tại chỗ, 5 năm qua, tỉnh Bắc Giang đã lồng ghép hiệu quả các chương trình cho đầu tư khu vực nông thôn, miền núi. Riêng với chương trình nông thôn mới miền núi, trong giai đoạn này, tỉnh thực hiện 11 dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) kinh phí hơn 114 tỷ đồng. Tại các dự án này, Sở KH&CN đã chuyển giao 18 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 200 kỹ thuật viên cơ sở; hơn 3.000 lượt người dân được tập huấn…
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang. |
Nhờ đi trước một bước, KH&CN đóng vai trò đòn bẩy, là nhân tố tích cực đón đầu các công nghệ mới đã được khẳng định thành công để chuyển giao về tỉnh, hướng dẫn người dân áp dụng.
Đến nay, Bắc Giang đã được cấp 947 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó 60 nông sản có thế mạnh được cấp nhãn hiệu; giá trị nhiều sản phẩm nông nghiệp tăng lên nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…
Để phát huy hơn nữa vai trò của KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, Bộ KH&CN cần sớm chủ trì nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách, định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để duy trì, nhân rộng sau khi các dự án kết thúc; nâng quy mô hỗ trợ các dự án để hình thành vùng sản xuất tập trung, ưu tiên các mô hình công nghệ cao, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch.
Khi có ứng dụng mới, các cơ quan, nhà khoa học sớm phối hợp chuyển giao, áp dụng tại các địa phương. Với chức năng của mình, Sở KH&CN Bắc Giang sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân triển khai có hiệu quả các dự án; chuẩn bị các điều kiện vật chất, nguồn lực tiếp nhận công nghệ được chuyển giao để ứng dụng, nhân rộng.
Tiến sĩ Thái Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT):
Ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao hơn
Năm 2016, chúng tôi triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi siêu thâm canh cá rô phi, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao” tại tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.
![]() |
Tiến sĩ Thái Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản. |
Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi trồng thủy sản được coi là một hướng đi mới của công nghệ sinh học, dựa trên nguyên lý bổ sung nguồn cacbon theo một tỷ lệ phù hợp với lượng nitơ sẵn có trong nước ao để làm thức ăn cho vi sinh vật dị dưỡng có trong ao, tạo điều kiện cho nhóm này phát triển chiếm ưu thế.
Vi sinh vật dị dưỡng sẽ chuyển hóa các hợp chất chứa nitơ trong nước ao thành protein trong sinh khối, nhờ đó tái sử dụng được nguồn nitơ từ chất thải hòa tan trong nước ao và chuyển hóa thành sinh khối thức ăn tự nhiên cho cá nuôi, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn nuôi cá.
Qua thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ này giúp tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) giảm khoảng 25%, lượng nước sử dụng giảm từ 90% so với công nghệ nuôi thông thường.
Thời gian tới, cùng với đánh giá hiệu quả của dự án, chúng tôi đang tập trung hoàn thiện công nghệ, tăng kích cỡ giá thương phẩm, hạ giá thành sản phẩm để triển khai nhân rộng mô hình, sản xuất theo chuỗi sản phẩm.
Để công nghệ này đến được với nhiều người dân hơn, tôi mong muốn có thêm nhiều chính sách khuyến khích chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài; hỗ trợ chủ đề tài liên kết với các doanh nghiệp, trang trại, gia trại nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh hình thành vùng nguyên liệu.
Ông Đặng Văn Thư, dân tộc Dao, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ):
Hỗ trợ nhiều hơn cho vùng dân tộc thiểu số
Là xã đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận lợi, thiếu nước nên chỉ sản xuất được một vụ trong năm nên đời sống đồng bào dân tộc Dao ở Yên Sơn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (hơn 50%). Những năm qua, cùng với cộng đồng người Dao ở Yên Sơn, gia đình tôi luôn trăn trở tìm cách khai thác vùng đất xấu, kém hiệu quả, chỉ trồng lúa, ngô sang mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn. Giữa lúc đang loay hoay tìm hướng thoát nghèo, năm 2017, dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN nuôi bò thịt được triển khai trên địa bàn, mở ra cơ hội mới.
![]() |
Ông Đặng Văn Thư, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). |
Với phương châm "cầm tay chỉ việc”, gia đình tôi cùng 40 hộ khác được tập huấn, trang bị những kiến thức đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu về kỹ thuật chăn nuôi, một số biểu hiện của bò khi mắc bệnh, vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho bò, kỹ thuật vỗ béo cho bò… Trên diện tích đất xấu chỉ trồng được một vụ, chúng tôi được hướng dẫn trồng cỏ VA05, thu hoạch 4 lứa/năm; tạo nguồn thức ăn thô cho đàn bò.
Sau 3 năm thực hiện dự án, từ 2 bò sinh sản được cấp đã phát triển lên 5 con, tổng giá trị 140 triệu đồng. Hiện từ nuôi bò và các nguồn khác, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi thu nhập gần 5 triệu đồng.
Tôi mong muốn Bộ KH&CN, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các dự án mới, ứng dụng KH&CN về vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những khu vực còn khó khăn để chúng tôi có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Sơn Quang - Minh Linh (ghi)
Tính đến thời điểm này, Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang đã tuyển 550 chỉ tiêu hệ cao đẳng; 720 chỉ tiêu hệ trung cấp.
Ý kiến bạn đọc (0)