Phân luồng học sinh
Trong văn bản hướng dẫn tổ chức các kỳ xét tốt nghiệp, tuyển sinh năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu các trường làm tốt việc định hướng cho học sinh tiếp tục theo học lớp 10 hoặc đi học nghề theo nguyện vọng, tuyệt đối không được ngăn cấm học sinh dự thi vào lớp 10 THPT dưới mọi hình thức.
Sở dĩ có yêu cầu đó bởi thực tế, việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh cuối cấp THCS được phụ huynh, giáo viên và các em đặc biệt quan tâm. Làm thế nào để tư vấn, định hướng đúng, trúng trường, trúng nguyện vọng mà không khiến các em bị tự ti, mặc cảm về năng lực của mình là vấn đề không đơn giản. Chưa kể, nhiều trường THCS vì thành tích, sẵn sàng vận động, thậm chí ép học sinh “tự nguyện” viết đơn không thi vào lớp 10 công lập, làm mất đi quyền, cơ hội học tập của các em…
Trên thực tế, đã có một số nhà trường, thầy cô can thiệp thô bạo vào việc chọn trường của các em. Từng có phụ huynh rất bức xúc khi cô giáo chủ nhiệm thông báo, khuyên nhủ rằng con anh/chị học kém, ham chơi, không thể thi vào trường cấp 3 công lập được. Trong khi, từ “định hướng” có phần chủ quan cá nhân của thầy, phụ huynh, học sinh bị tổn thương, quyết tâm ôn tập và thi đỗ vào lớp 10 trường công lập.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có sự quyết tâm cao và đạt được nguyện vọng như vậy. Khi tư vấn, định hướng cho học sinh nên thi vào trường nào, trường tốp 1 hay trường tốp 2,3 THPT, học tiếp hay học nghề, các thầy cô giáo đều có căn cứ.
Trước hết đó là từ kết quả học tập, rèn luyện hằng ngày của mỗi học sinh. Căn cứ nữa, quan trọng không kém là kết quả qua các kỳ thi khảo sát, thi thử, như thi thật vào cấp 3 của các phòng giáo dục. Từ các kỳ thi, nếu các em rơi vào phổ điểm quãng nào, các thầy cô sẽ có sự tư vấn tương ứng.
Rõ ràng, việc tham dự hay không tham dự kỳ thi vào lớp 10 là quyền của học sinh và phụ huynh. Trách nhiệm của giáo viên là giúp đỡ, định hướng để học sinh nắm rõ năng lực của mình. Các em sẽ là người đưa ra lựa chọn và có quyền được chọn hướng đi cho mình. Ở đây, vai trò của phụ huynh và các em là rất quan trọng.
Cũng có không ít trường hợp, vì sĩ diện, vì không hiểu rõ năng lực của con mình nên phụ huynh vô tư cho con đăng ký trường công lập, trường tốp đầu, để rồi khi không đạt, lại quay ra trách mắng, thậm chí cho con bỏ học luôn, trong khi con em họ hoàn toàn có khả năng học các trường khác, trường nghề.
Học THPT công lập hay học nghề, học các trường dân lập, trường nào cũng đều tốt, đều đáng quý khi phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Chưa kể, hiện nay tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang diễn ra, các khu, cụm công nghiệp đang “khát” những thợ giỏi, những lao động chất lượng.
Không bao lâu nữa, 26,3 nghìn học sinh lớp 9 của tỉnh sẽ đăng ký nguyện vọng thi. Trong số này, chỉ có 60% học tại các trường THPT công lập. Nếu biết lựa sức mình, thay đổi nhận thức, học gì thì suy cho cùng cũng đều lấy kiến thức để có nghề, có thu nhập, nuôi sống bản thân, gia đình thì các em sẽ nhẹ nhàng hơn, không bị áp lực bởi mình chọn trường công hay tư.
Bảo Châu
Ý kiến bạn đọc (0)