Pate Minh Chay: Bán hơn 10.000 sản phẩm ra thị trường, mới thu hồi được 141 sản phẩm
Chiều (8/9) tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thông tin về kết quả hoạt động 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2020 đơn vị này đã tiến hành kiểm tra hơn 3.800 vụ, xử lý hơn 3.600 vụ với tổng số tiền là hơn 98 tỷ đồng.
![]() |
Hiện đã thu hồi được 141 sản phẩm, chủ yếu tại Hà Nội. |
Cũng tại hội nghị, Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng đã làm rõ những nội dung liên quan đến sự cố ngộ độc pate Minh Chay.
Theo đó, ông Nguyễn Minh Hùng cho hay, công ty này thành lập 2018. Tháng 1/2020, được Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên công ty không hoạt động, đến tháng 7/2020 mới hoạt động.
Từ ngày 1/7 cho đến khi báo chí phản ánh việc người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng sản phẩm pate Minh Chay do Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới đã đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm thực phẩm chay với phương thức bán online chứ không có cửa hàng hay hệ thống phân phối.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, sau biết được sự việc Cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo xử lý kịp thời. Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 9 đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh sản xuất của Công ty này.
Tại buổi kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh sản xuất của Công ty này như: người tiếp xúc với sản phẩm không đeo khẩu trang, dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy, nguyên liệu đầu vào có nhãn không đủ nội dung… Trước những sai phạm trên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đã ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền 17,5 triệu đồng đối với Cty TNHH Hai thành viên lối sống mới do không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm.
Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường trong vụ việc này như thế nào, ông Hùng cho biết: Theo quy định của pháp luật đối với mặt hàng sản xuất thực phẩm sử dụng nguyên liệu thực vật giao cho ngành nông nghiệp cấp phép và hậu kiểm, ngành y tế chịu trách nhiệm chất lượng.
Về trách nhiệm ngành quản lý thị trường, ông Nguyễn Minh Hùng cho hay, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng thu hồi sản phẩm. Đây là lĩnh vực phức tạp, cần sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành và các địa phương. Nếu không có cơ chế phối hợp thì rất khó quản lý, không rõ trách nhiệm giữa các cơ quan.
Thông tin thêm về vụ việc này, ông Phạm Thanh Học, Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ, TP Hà Nội cho biết đây là vụ việc không hề mong muốn, gây rất bức xúc trong xã hội, vì liên quan đến tính mạng của con người. Sau khi vụ việc xảy ra, Lãnh đạo Thành phố, các Sở ban ngành đều rất tích cực, chủ động nhưng để có kết luận đánh giá đầy đủ “không dễ chút nào cần thiết phải có thời gian”.
Về vấn đề thu hồi sản phẩm, ông Phạm Thanh Học cho biết theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế mà ông có được, hiện tại đã thu hồi được 141 sản phẩm từ các khách hàng chủ yếu tại Hà Nội bao gồm 35 sản phẩm Pate Minh Chay và 106 sản phẩm khác; ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã bàn giao 35 sản phẩm Pate Minh Chay cho Phòng cảnh sát Kinh tế- Công an TP Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Theo ANTĐ
Ý kiến bạn đọc (0)