Nỗ lực phục hồi thị trường lao động sau tác động của dịch Covid-19
Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chủ trì tại điểm cầu T.Ư. Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.
![]() |
Đồng chí Mai Sơn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.
|
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng về cơ bản, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội cơ bản hoàn thành.
Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động với 1,8 triệu người lao động trong cả nước mất việc làm. Song nhờ chủ động ứng phó, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” tại các địa phương nên lao động sớm quay lại thị trường, góp phần ổn định tình hình sản xuất trong các doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 65%.
Công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được triển khai đầy đủ, kịp thời; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống gia đình chính sách; tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội năm 2021; quan tâm chăm sóc người cao tuổi, trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội.
![]() |
Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang. |
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, đặc biệt là người lao động trong các khu công nghiệp; kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế; một bộ phận người lao động đăng ký nhận BHXH một lần, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ và việc bảo đảm an sinh xã hội. Các địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình giảm nghèo năm 2021 do Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa được phê duyệt.
Bàn giải pháp công tác 6 tháng cuối năm, toàn ngành thống nhất tập trung 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Chủ động và tích cực triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có các giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tập trung hoàn thành chương trình công tác năm 2021, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt, trao đổi về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận, điều kiện hỗ trợ theo hai chính sách này đã điều chỉnh hợp lý, khắc phục hạn chế của gói hỗ trợ trước đây.
Cụ thể: Bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động; giảm điều kiện vay trả lương ngừng việc, bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp và giảm điều kiện ngừng việc xuống còn 15 ngày
Ngoài người lao động ngừng việc, Nghị quyết 68 còn bổ sung hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch.
Tham luận tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐTBXH khẳng định, đến nay tỉnh cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ kép, phục hồi, phát triển KT-XH. Tới đây, đơn vị sẽ tham mưu với UBND tỉnh để triển khai hiệu quả, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, người sử dụng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Tiến Cơi đề nghị Chính phủ, Bộ LĐTBXH, các bộ, ngành T.Ư sớm tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung như: Hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi NCC; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030; thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn miền núi, vùng cao có thay đổi về khu vực theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
![]() |
Ông Nguyễn Tiến Cơi trao đổi tại hội nghị. |
Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ LĐTBXH quan tâm, tạo điều kiện để các trường cao đẳng trên địa bàn thành lập, tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo khi có đủ điều kiện để thực hiện kiểm định độc lập, đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung biểu dương những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương và cán bộ, công nhân viên toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm.
Với tinh thần quyết tâm, kiên định hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021, trong 6 tháng cuối năm, đồng chí đề nghị các cấp, ngành, tỉnh, TP tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Trước hết, căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương để tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tri ân người có công phù hợp, bảo đảm các quyền lợi, chế độ ưu đãi theo quy định, từng bước nâng cao đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực lao động, việc làm. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đề nghị các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để nỗ lực phục hồi thị trường lao động. Trong đó, tập trung tham mưu, xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp để củng cố các mô hình đào tạo, kết nối tuyển dụng nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.
Khi thực hiện mục tiêu kép, khôi phục sản xuất, đồng chí đề nghị cần linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức lại mô hình hoạt động của doanh nghiệp, chỉ khi thực sự an toàn phòng dịch mới sản xuất trở lại; tiếp tục rà soát, kiểm tra, nâng cao chất lượng quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, tránh tình trạng lách luật, sử dụng lao động trái phép; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý hồ sơ, giải quyết thủ tục thuộc lĩnh vực.
Với Nghị quyết 68, đồng chí đề nghị việc triển khai phải khẩn trương, tối giản các thủ tục, lấy mục tiêu an toàn cho người dân là trên hết, từng bước ổn định đời sống người dân, nhất là người nghèo, đối tượng yếu thế.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)