Nhiều phòng khám không phép vẫn hoạt động
Từ lén lút đến công khai khám, chữa bệnh
Từ phản ánh của người dân, giữa tháng 12/2023, phóng viên Báo Bắc Giang thâm nhập vào một số phòng khám nha khoa trên địa bàn huyện Sơn Động. Trong vai một khách hàng, chúng tôi tìm đến phòng khám Lành Tích, thôn Lọ, xã Lệ Viễn. Vừa thấy khách, chủ phòng khám vội đon đả mời khách vào, giới thiệu: “Em có 10 năm kinh nghiệm làm răng, mọi vấn đề em đều xử lý được”.
![]() |
Phòng khám sản-phụ khoa trên đường Lê Hồng Phong, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) không ghi số giấy phép do Sở Y tế cấp. |
Quan sát nhanh, phòng khám là gian nhà cấp 4, lợp mái tôn, bên trong có một ghế nha khoa, bàn và vài ghế nhựa để tiếp khách. Đáng chú ý, phòng khám thông với khu vực sinh hoạt riêng của gia đình. Trên biển hiệu không có thông tin về bác sĩ, số giấy phép hoạt động do Sở Y tế cấp theo quy định. Khi đặt vấn đề xử lý răng cửa của con trai thưa, vênh, nữ nhân viên khẳng định có thể kéo hai răng gần nhau, đồng thời tư vấn niềng răng cho cháu.
Tuy nhiên, khi chia sẻ câu chuyện trên với một bác sĩ nha khoa có nhiều kinh nghiệm, vị bác sĩ này khẳng định: Chỉnh nha là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm. Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ phải có chứng chỉ chỉnh nha, được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề. Cùng đó, phòng khám phải có hệ thống máy chụp chiếu, thiết bị tính toán khoảng cách, vị trí điều chỉnh. Như vậy, rõ ràng phòng khám nói trên không đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật này.
Tiếp tục khảo sát 7 phòng khám nha khoa khác tại thị trấn An Châu, xã Vân Sơn, phóng viên ghi nhận, các phòng khám đều không có đầy đủ thông tin trên biển hiệu theo quy định. Liên quan đến 7 phòng khám này, ông Hoàng Minh Trung, cán bộ Phòng Y tế huyện Sơn Động cho biết, tất cả đều chưa được cấp phép. Cuối tháng 8 vừa qua, Phòng Y tế huyện đã làm việc, yêu cầu các cơ sở trên ký cam kết và tạm đóng cửa.
“Sau khi ký cam kết, Phòng gửi thông báo đến UBND các xã, thị trấn để cùng giám sát việc chấp hành. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, việc kiểm tra không thường xuyên nên các phòng khám không phép vẫn lén lút hoạt động”, ông Trung cho biết.
Theo quy định, phòng khám được cấp phép trên biển hiệu phải có tên phòng khám (chuyên khoa, đa khoa, hay phẫu thuật thẩm mỹ…), tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, giờ làm việc, số điện thoại, địa chỉ liên hệ, số giấy phép được Sở Y tế cấp. Mặc dù vậy, tại một số địa phương, nhiều phòng khám chưa tuân thủ đầy đủ các quy định, có nơi chỉ ghi tên bác sĩ cùng chuyên khoa được đào tạo, có cơ sở lại thiếu số giấy phép hoạt động.
Ví như phòng khám bác sĩ đa khoa Thân Văn Bình ở thôn Kẹm, xã Minh Đức (Việt Yên) chỉ ghi thời gian làm việc, số điện thoại liên hệ; phòng khám bác sĩ Tuấn ở ngã tư làng Đồng, xã Ngọc Lý (Tân Yên) chỉ ghi thông tin chuyên khoa tai, mũi, họng… Phòng khám sản phụ khoa trên đường Lê Hồng Phong, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) dù có thông tin về bác sĩ phụ trách, thời gian làm việc, số điện thoại song không có thông tin về giấy phép hoạt động.
Điều này khiến nhiều người hoài nghi về tính pháp lý, chất lượng dịch vụ của phòng khám. Tương tự, dọc trục đường từ quốc lộ 17 vào UBND xã Nội Hoàng (Yên Dũng) có 5 phòng khám không phép lén lút hoạt động. Các phòng khám đều đóng cửa nhưng khi khách hàng gọi điện, phía đầu dây bên kia đều nhiệt tình tư vấn các dịch vụ liên quan đến sản, phụ khoa, nha khoa và hẹn giờ đến khám (?).
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Theo Phòng Quản lý hành nghề Y - Dược tư nhân (Sở Y tế), toàn tỉnh hiện có 724 cơ sở YTTN, trong đó có 14 bệnh viện, 32 phòng khám đa khoa, còn lại là phòng khám chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế. Để siết chặt quản lý các cơ sở YTTN, năm 2023, Sở Y tế triển khai 14 cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề YTTN.
Mới đây, Phòng khám đa khoa Kinh Đô ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Bắc Giang) bị tố vi phạm một số quy định trong khám bệnh, ngày 29/11, UBND tỉnh có công văn yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động của phòng khám này. Sở Y tế đã thành lập đoàn công tác, kiểm tra đột xuất hoạt động khám, chữa bệnh của phòng khám từ đầu năm nay, thời gian kiểm tra 30 ngày. |
Qua đó phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 10 tổ chức, 13 cá nhân với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Tại huyện Việt Yên, năm nay, cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra 180 cơ sở YTTN, phát hiện, tham mưu đình chỉ 12 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 11 cơ sở… Tại huyện Sơn Động, từ năm 2022 đến nay, Chủ tịch UBND huyện quyết định xử phạt đối với 11 phòng khám nha khoa không phép trên địa bàn.
Mặc dù ngành chức năng, các địa phương đã xử lý song nhiều trường hợp vẫn “phớt lờ”, tiếp tục tổ chức khám, chữa bệnh khi chưa được cấp phép. Nguyên nhân một phần do nhu cầu của người dân lớn, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến “nhờn luật”. Minh chứng là tại thị trấn An Châu (Sơn Động), có 3 phòng khám nha khoa không phép nằm ngay trục đường quốc lộ 31, cách UBND huyện vài trăm mét, UBND thị trấn chưa đầy 1 km song hằng ngày vẫn mở cửa đón khách.
Tương tự các phòng khám không phép tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cũng nằm ngay trục đường dẫn vào UBND xã, có biển hiệu lớn đặt trước cửa song chính quyền địa phương cũng không có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh. Chính sự buông lỏng quản lý này đã dẫn đến những hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Sơn Động tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sưng tấy chân răng, chảy nhiều máu. Khi được hỏi, bệnh nhân thừa nhận trước đó có đi nhổ răng tại một phòng khám nha khoa không phép trên địa bàn thị trấn An Châu.
Theo ông Dương Quốc Dũng, Chánh Thanh tra Sở Y tế, những kết quả kiểm tra chỉ phần nào phản ánh thực tế hoạt động của một số cơ sở y tế ngoài công lập hiện nay bởi nhân lực làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này mỏng, khó có thể kiểm tra, kiểm soát hết các cơ sở hành nghề YTTN nếu chính quyền cơ sở không tích cực vào cuộc. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cơ sở YTTN, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp giấy phép hành nghề cho các cơ sở, cá nhân đủ điều kiện tại các địa phương đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân, giảm áp lực cho các cơ sở công lập.
Cùng đó, tổng kiểm tra các cơ sở YTTN, tập trung vào địa bàn đông dân cư như khu vực gần các khu, cụm công nghiệp, thị trấn, thị tứ. Sau xử lý, cần gắn trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở trong giám sát việc chấp hành. Với những cơ sở tiếp tục tái phạm, có biện pháp xử lý nghiêm, ngoài xử phạt vi phạm hành chính cần tính đến việc rút giấy phép hoạt động, tước chứng chỉ hành nghề hoặc chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)