Nguy cơ cao cháy nổ trong doanh nghiệp
Hậu quả nghiêm trọng
Chỉ trong hai tháng cuối năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy tại DN, thiệt hại ước tính cả trăm tỷ đồng. Chiều 19/12/2021, tại Công ty cổ phần Vận tải thủy bộ Bắc Giang thuộc khu vực đê Châu Xuyên, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) xảy ra cháy lớn.
Bất lực nhìn ngọn lửa “liếm” dần gần 1.000m2 nhà xưởng, các kho hàng chứa bánh kẹo, nguyên liệu hàng hóa phục vụ Tết và cả dàn máy móc, nhiều người có cổ phần tại Công ty chỉ biết ôm nhau khóc. Bao vốn liếng, tài sản kéo theo đó là nguồn sống của cả gia đình họ trong chốc lát bị thiêu rụi (ước tính thiệt hại khoảng 13 tỷ đồng).
![]() |
Công ty Ánh Thảo, Cụm công nghiệp Đại Lâm (Lạng Giang) còn lơ là công tác PCCC.
|
Tương tự, hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH JuFeng New Materials ở KCN Quang Châu, huyện Việt Yên (DN 100% vốn Trung Quốc) chuyên sản xuất sản phẩm từ nhựa plastic cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hầu hết nhà xưởng rộng 10.000 m2 bị cháy ngày 14/11/2021.
Ngày 18/12/2021, tại Công ty TNHH TL Trung Việt KCN Đình Trám (Việt Yên) chuyên chế biến gỗ ép, gỗ công nghiệp cũng xảy ra hỏa hoạn. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) can thiệp được một phần, ngăn chặn đám cháy không lan rộng đến các xưởng lân cận. Công ty này đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt do vi phạm quy định PCCC.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kể: “Đêm 29/12/2021, tôi tham gia chữa cháy tại Công ty TNHH Doowon Tech Vina chuyên sản xuất băng dính có trụ sở ở thôn Lịm Xuyên, xã Song Khê (TP Bắc Giang).
Hàng trăm công nhân, trong đó có nhiều người ở các tỉnh Tây Bắc đều buồn bã cho biết khoản thu nhập cuối năm đều trông chờ vào tiền lương, thu nhập ở Công ty dịp cuối năm. Giờ Công ty bị cháy rụi thế này chắc chắn sẽ gián đoạn việc làm, người lao động không có lương, coi như mất Tết”.
Những vụ cháy, nổ không chỉ gây ra thiệt hại về tài sản của chính DN, tổn thất về sức khỏe mà còn khiến người lao động, công nhân mất việc làm do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, gián đoạn.
Không chi trả bảo hiểm khi DN vi phạm quy định về cháy nổ
Hiện nay, gần 400 DN trong các khu, cụm công nghiệp cơ bản chấp hành tốt các quy định về an toàn PCCC. Đa số các chủ cơ sở đã quan tâm đầu tư thiết kế hồ sơ; thi công lắp đặt hệ thống PCCC, được cơ quan chức năng nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng, vận hành.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ sở chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh mà lơ là, xem nhẹ, không chấp hành hoặc chấp hành nhưng mang tính đối phó. Nguyên nhân một phần do quy định xử phạt hành chính lĩnh vực này còn thấp, cao nhất là 80 triệu đồng, có hành vi chỉ xử phạt từ 300-500 nghìn đồng.
Do vậy, một số DN chấp nhận nộp phạt thay vì phải thực hiện các yêu cầu về PCCC. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất bao bì Ánh Thảo (Công ty Ánh Thảo) trụ sở tại Cụm công nghiệp Đại Lâm, xã Đại Lâm (Lạng Giang).
Qua thực tế cho thấy, hầu hết vụ cháy lớn có nguyên nhân xuất phát từ sự cố hệ thống điện và các sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành nhà xưởng. Khi xảy ra cháy, DN phát hiện, báo cháy chậm, việc tổ chức chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ không hiệu quả, dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Bên cạnh đó, các cơ sở xảy ra cháy đa phần sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ những vật liệu dễ cháy như nhựa, gỗ, giấy... |
Nguyên liệu Công ty sử dụng toàn từ chất liệu nhựa (loại vật liệu dễ cháy) nhưng lại thiếu nhiều điều kiện về bảo đảm an toàn PCCC. Gần 100 công nhân làm việc trên diện tích khoảng 10.000m2 nhưng không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định.
Dây dẫn điện trong khu vực sản xuất chằng chịt như tơ nhện, lắp đặt lỏng lẻo, sơ sài, aptomat không đưa vào hộp kỹ thuật rất dễ phóng điện ra ngoài, trang thiết bị phương tiện chữa cháy hầu như mất tác dụng… Đáng chú ý, Công ty này từng xảy ra cháy, bị xử phạt nhưng chủ DN chậm khắc phục.
Qua thực tế cho thấy, hầu hết vụ cháy lớn có nguyên nhân xuất phát từ sự cố hệ thống điện và các sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành nhà xưởng. Khi xảy ra cháy, DN phát hiện, báo cháy chậm, việc tổ chức chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ không hiệu quả, dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Bên cạnh đó, các cơ sở xảy ra cháy đa phần sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ những vật liệu dễ cháy như nhựa, gỗ, giấy; sử dụng kết cấu khung thép mái tôn, khả năng chịu nhiệt và chịu lực kém, khi thời gian cháy kéo dài hơn 30 phút có khả năng sụp đổ rất nhanh. Có DN còn cho rằng đã mua bảo hiểm về cháy nổ, hỏa hoạn thì có bảo hiểm chi trả. Trên thực tế, công ty bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các vụ cháy mà chủ DN vi phạm các quy định về PCCC.
Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh cho biết: Để bảo đảm an toàn cho phát triển bền vững của cơ sở, sự bình yên cuộc sống, giữ vững an ninh trật tự, các DN cần chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ, duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở. Niêm yết biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi nguy hiểm.
Thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để khống chế và kiểm soát chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như xăng dầu, khí cháy chỉ đủ cho từng ca sản xuất.
Hàng hóa sản xuất ra được chuyển đi ngay, không lưu giữ tại nơi sản xuất. Lắp đặt aptomat cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn; tách riêng biệt các nguồn điện chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt.
Lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò điện phù hợp với từng loại công trình; có giải pháp chống tĩnh điện đối với những dây chuyền sản xuất, thiết bị phát sinh tĩnh điện. Không lập bàn thờ để thờ cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả công trình, từng khu vực…
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)