Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Cháy nổ rình rập
Không lối thoát
Chất hàng hóa bày lấn lối đi, hầu hết đều không cửa thoát hiểm dự phòng, không hệ thống điện tự ngắt khi có cháy; thiếu thiết bị PCCC ở các nhà trọ cho công nhân thuê và miễn cưỡng khi tiếp đoàn kiểm tra. Đó là thực tế mà chúng tôi mục sở thị tại một số hộ có nhà ở kết hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh ở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh (Việt Yên).
![]() |
Cán bộ Công an huyện Việt Yên hướng dẫn chủ hộ sử dụng bình chữa cháy. Ảnh chụp ngày 24/4/2021. |
Trung tá Nguyễn Văn Chính, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an huyện thông tin: “Ở thị trấn Nếnh có gần 3 nghìn nhà trọ cho thuê, khoảng 80% trong số này chưa thực hiện quy định về PCCC. Mặc dù Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng do chưa có hướng dẫn phân cấp quản lý nên lực lượng cảnh sát PCCC gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm”.
Trên thực tế, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư thường không theo quy hoạch. Nhà xây hình ống sát nhau, không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, chỉ có một lối ra vào duy nhất, không có lối thoát nạn dự phòng và ngăn cháy lan. Trong thói quen sinh hoạt hằng ngày, chủ hộ thường bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố, hàn lồng sắt hoặc lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công. Khi xảy ra cháy nổ, người trong nhà khó thoát ra ngoài.
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 64 vụ cháy, làm 4 người bị thương, gây thiệt hại tài sản 76,6 tỷ đồng (tăng 279,5% so với năm trước), trong đó có 17 vụ cháy nhà dân. Còn từ đầu năm đến nay, đã có 18 vụ cháy (8 vụ cháy nhà dân kết hợp xưởng sản xuất) thiệt hại gần 10 tỷ đồng. Qua điều tra cho thấy, các vụ cháy, nổ xảy ra tại các hộ gia đình và hộ có kết hợp sản xuất, kinh doanh tập trung chủ yếu vào 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất là ý thức chấp hành quy định về an toàn PCCC của chủ hộ, chủ cơ sở kinh doanh không cao, vi phạm quy định về an toàn trong sử dụng điện. Thứ hai là do hộ gia đình đã sắp xếp hàng hóa, đồ dùng dễ cháy với khối lượng lớn ở luôn tầng 1, ngay lối đi lại. Thứ ba là nhà không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, đến khi có cháy xảy ra đã không thoát ra ngoài được.
“Đơn cử như vụ cháy xảy ra lúc gần 1 giờ ngày 29/11/2018 tại nhà anh Trần Văn Tuân ở thôn Lò, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) kinh doanh thiết bị điện nước tại nhà. Mặc dù đơn vị đã điều động 4 xe đặc chủng cùng 34 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy, nhưng hậu quả của vụ hỏa hoạn để lại hết sức nặng nề. Con gái thứ 2 của anh Tuân sinh năm 2011 tử vong, vợ cùng 2 con bị bỏng nặng”- Trung tá Trần Văn Hùng, Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết.
Nâng cao ý thức phòng ngừa
Để hạn chế cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã bổ sung nhiều yêu cầu trong việc PCCC đối với hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Ví như nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy. Đặc biệt, khi hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, tại Điều 9 Nghị định 79/2014/NĐ-CP chỉ quy định điều kiện an toàn về PCCC đối với hộ gia đình nói chung, không có yêu cầu riêng với hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh. Để tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, ngày 27/4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn về việc tăng cường thực hiện công tác PCCC. Trong đó yêu cầu Công an tỉnh làm tốt công tác nắm tình hình, xác định cơ sở, địa bàn trọng điểm về PCCC tại khu dân cư, làng nghề, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh để có biện pháp quản lý, phòng ngừa hiệu quả. UBND các huyện, TP chỉ đạo UBND cấp xã tiếp nhận và thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC đối với các cơ sở kinh doanh theo quy định.
Theo khuyến cáo, với các hộ dân và cơ sở kinh doanh bắt buộc phải thực hiện việc sắp xếp hàng hóa có khoảng cách và lối thoát nạn; không để các thiết bị có cắm điện lên đồ dễ cháy; kiểm tra các thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu và đặc biệt là không lắp lồng và lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện việc phân cấp quản lý cho lực lượng cảnh sát PCCC ở các huyện, TP. Qua đó nhằm hạn chế tối thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Ý kiến bạn đọc (0)