Người thành thị
Thứ 5: 09:35 ngày 26/06/2014
(BGĐT) - Một người bà con của tôi định cư ở nước ngoài lâu năm mới về thăm quê. Nghe người ở nhà kể chuyện đầu tư tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ đồng mua đất, xây nhà bà nể lắm. Bởi ở nơi bà đang sống, chỉ những người cực giàu mới có thể sở hữu nhà đất, còn phần lớn người dân đều thuê nhà ở chung cư.
Bàn chuyện đó, ông anh họ tôi nói: "Chung cư ở đây hiếm lắm. Cả thành phố chỉ đếm trên đầu ngón tay, lấy đâu đủ đáp ứng nhu cầu của hàng vạn hộ, mà ở chung cư chán chết, bất đắc dĩ mới phải ở thôi”. Rồi anh kể, mới đây, vợ chồng cậu con út đang ở chung cư đi công tác dài ngày nhờ anh đến trông nhà, trông con. Khu này xây cách đây mấy năm, chất lượng, diện tích căn hộ, sự tiện ích của các dịch vụ anh chưa dám bàn đến, nhưng có vài điều khiến anh băn khoăn.
Toà nhà gần 30 hộ, cả xe đạp, xe máy dễ dăm sáu chục chiếc song diện tích để xe ở tầng trệt rất chật. Chật, nhưng nếu mọi người cùng có ý thức chung thì vẫn có thể thu xếp gọn gàng được. Đằng này, có một số người sống ở đây đã lâu, tưởng rất hiểu và thực hành những quy tắc tối thiểu nhưng xe máy bạ chỗ nào dựng chỗ ấy, đến trước, đi làm về trước nhưng xe đỗ chềnh ềnh không theo hàng lối, không chừa chỗ cho người đỗ sau. Thành ra nhiều khi bên trong còn rộng mà bị các xe đỗ trước chắn lối, thiếu chỗ dựng. Hành lang và cầu thang được lát gạch, ốp đá hẳn hoi, có ngăn kéo chứa rác ngay mỗi chân cầu thang từng tầng. Thế nhưng không rõ người lớn hay trẻ em vẫn vỗ tư xả rác. Khi thì vỏ hộp sữa, khi thì túi ni lông, vỏ bánh kẹo và nhiều thứ linh tinh khác.
Nghe anh tôi kể, bác hàng xóm chêm vào: "Ôi dào, tôi đây hằng ngày vẫn chứng kiến nhiều ông bố, bà mẹ, kể cả các bậc ông, bà bế cháu chìa ra đường phố giữa thanh thiên bạch nhật bao người qua lại xuy tè, xuy ị tùm lum cả lên. Bé tí đã được huấn luyện tiểu đường, đại… đường như thế, bảo sao lớn lên chẳng quen bạ đâu xả đấy, không quan tâm giữ gìn hình ảnh cá nhân và trật tự, văn minh nơi công cộng”.
Gần đây, Nhà nước chủ trương xây dựng mới hoặc mở rộng nhiều đô thị. Không ít ý kiến cho rằng, để xây dựng và phát triển đô thị, trước hết cần xây dựng "con người đô thị”. Người đô thị không nhất thiết phải thật giàu có hay học vấn cao, nhà, xe đắt tiền, ăn ngon mặc đẹp mà trước hết phải là con người hiểu biết và tôn trọng những chuẩn mực tối thiểu trong ứng xử nơi công cộng, tôn trọng lợi ích của chính mình và của người khác, của cộng đồng và có trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Lâm Dũng
Chủ đề:
Ý kiến bạn đọc (0)