Nghiên cứu, ứng dụng đề tài khoa học trong ngành y tế: Vì lợi ích người bệnh
Sản xuất sinh phẩm phòng, chống dịch
Trong nhiều đợt cao điểm của dịch bệnh, ngoài chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng chủ động hơn khi tự sản xuất được dung dịch bảo quản virus SARS-CoV-2. Tiến sĩ, bác sĩ Dương Thị Hiển, Trưởng khoa Xét nghiệm cho biết: Dung dịch này được pha chế tại phòng thí nghiệm của khoa. Hiện, mỗi ngày đơn vị sản xuất được từ 5-7 nghìn tuýp bảo quản virus. Từ nguồn sản xuất chủ động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp về trung tâm y tế các huyện, TP phục vụ công tác lấy mẫu dịch hầu họng làm xét nghiệm trên toàn tỉnh.
![]() |
Nhân viên y tế pha chế dung dịch bảo quản virus SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Được biết, mỗi mẫu bệnh phẩm sau khi lấy từ người có yếu tố dịch tễ sẽ được bảo quản trong tuýp dung dịch ở nhiệt độ từ 2-8 độ C trong 72 giờ. Muốn bảo quản thời gian lâu hơn phải hạ nhiệt độ xuống từ -20 đến -70 độ C. Hiện Khoa Xét nghiệm có 4 tủ bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C đáp ứng yêu cầu xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch.
Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước sản xuất được sinh phẩm bảo quản virus. Đây là quy trình khó đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn sinh học bảo đảm virus sống được để phục vụ chẩn đoán chính xác chủng virus. Từ môi trường đó, virus được nuôi cấy, phân lập để thực hiện các kỹ thuật cao hơn như giải trình tự gen, phân tích đột biến gen, phục vụ nghiên cứu vaccine.
Hiện nay, các tỉnh, TP trên cả nước đều phải mua dung dịch bảo quản virus từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư hoặc từ các doanh nghiệp nhập khẩu với mức giá từ 60-90 nghìn đồng/tuýp. Trong khi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tự sản xuất được nên chi phí thấp, chỉ 10 nghìn đồng/tuýp. Tuy nhiên, đơn vị mới chỉ sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, chưa có đủ năng lực cung cấp cho địa phương khác.
Ở nhiều thời điểm nguồn cung khan hiếm, các tỉnh, TP rất khó mua chế phẩm này, làm chậm tiến độ lấy mẫu xét nghiệm, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ cuối năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chia sẻ công thức, quy trình sản xuất cho nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Nhờ đó đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên và Phú Thọ cũng vừa sản xuất được dung dịch này.
Được biết, không phải khi dịch Covid-19 xảy ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mới pha chế dung dịch bảo quản virus mà từ năm 2009, khi dịch cúm A H1N1 lưu hành, đơn vị đã bắt đầu sản xuất chế phẩm này áp dụng theo đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của cán bộ, nhân viên Khoa Xét nghiệm. Sản phẩm đã được sử dụng bảo quản nhiều loại virus gây bệnh truyền nhiễm như: Cúm A H1N1, sởi-rubella, sốt xuất huyết.
Tháng 2/2021, Chi đoàn Thanh niên Trung tâm Kiểm nghiệm Bắc Giang cũng cho ra mắt dung dịch rửa tay khô bảo đảm tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Sản phẩm có tác dụng sát khuẩn dùng trong phòng, chống dịch Covid-19. Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Bí thư Chi đoàn, Trưởng phòng Hóa lý - Đông dược cho biết: “Dung dịch có thành phần cơ bản là cồn 70% có tác dụng sát khuẩn, glycerin giữ ấm da, nipagin bảo quản dung dịch và đặc biệt bổ sung thêm nano bạc với hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng và virus làm tăng khả năng diệt khuẩn của sản phẩm”.
Mỗi năm, ngành y tế tỉnh có từ 15-20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành; 3-5 đề tài cấp tỉnh được nghiệm thu và triển khai thực hiện. |
Ngoài tác dụng sát khuẩn, dung dịch còn có mùi thơm của một số loại tinh dầu. Hiện nay, dòng sản phẩm rửa tay của đơn vị đã được triển khai dùng thử nghiệm cho cán bộ, nhân viên ở tòa nhà liên cơ quan khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh và được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Mới đây, đơn vị tặng 40 chai dung dịch cho hai Trường Mầm non Dĩnh Kế và Tân Mỹ (TP Bắc Giang) phục vụ sát khuẩn tay cho học sinh trở lại trường học sau khi dịch bệnh tạm lắng xuống. Dự kiến trong tháng 3/2021, đơn vị sẽ hỗ trợ Trường Mầm non Âu Cơ số 1 và số 2 (Việt Yên) pha chế dung dịch sát khuẩn cho học sinh.
Ứng dụng vào thực tiễn
Mỗi năm, ngành y tế Bắc Giang có từ 15-20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành; 3-5 đề tài cấp tỉnh được nghiệm thu và triển khai. Nhiều đề tài được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ứng dụng hiệu quả trong phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh như: Sử dụng các men vi khuẩn sống trong điều trị loạn khuẩn đường ruột; ứng dụng công nghệ gen như kỹ thuật PCR, Real time trong chẩn đoán sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm; chẩn đoán vi khuẩn Salmonella (gây bệnh thương hàn) để đánh giá chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Công nghệ sinh học được ứng dụng để phân tích miễn dịch, phát hiện một số protein có liên quan đến sự hình thành khối u hoặc xác định sự có mặt của các loại vi khuẩn giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh chóng, chính xác. Đó là các phương pháp định lượng trong chẩn đoán, theo dõi, điều trị các bệnh viêm gan B, viêm gan C; phát hiện vi khuẩn lao.
Hằng năm, ngành y tế tỉnh đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp khoa học và công nghệ. Tại lễ tổng kết và trao giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang lần thứ 2-2020, lĩnh vực y tế được trao giải A cho đề tài "Phát hiện một số căn nguyên gây bệnh viêm não cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".
Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Hiệu đánh giá: Các nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ luôn bám sát nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, khẳng định vị thế của ngành y tế tỉnh. Ngành y tế Bắc Giang sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ sinh học trong việc xác định vi sinh vật gây bệnh trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh truyền nhiễm; ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán các đột biến kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh; ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán các đột biến gen hỗ trợ chẩn đoán, điều trị ung thư và các bệnh lý về di truyền học.
Các bệnh viện sẽ sớm xây dựng các trung tâm chuyên ngành, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, giúp người dân được thụ hưởng kỹ thuật y học hiện đại ngay tại địa phương. Cụ thể như Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Điều phối và ghép tạng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh); Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang).
Ý kiến bạn đọc (0)