Nghị quyết 130 - Đòn bẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nâng năng suất, giá trị cây trồng
Năm 2018, sau thời gian làm công nhân tại TP Hồ Chí Minh, anh Lê Hữu Khiên, thôn Trại Quản, xã Tam Dị (Lục Nam) trở về địa phương làm ruộng. Đúng thời điểm này, tỉnh có cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn.
![]() |
Cán bộ khuyến nông xã Tam Dị (Lục Nam) trao đổi kỹ thuật trồng dưa lưới với anh Lê Hữu Khiên (người ngồi). |
Tranh thủ cơ hội, anh cùng 2 hộ khác trong thôn thành lập tổ hợp tác sản xuất rau sạch và đầu tư xây dựng 3 mô hình nhà màng, tổng diện tích gần 900 m2 tại thôn Phú Yên 3, xã Tam Dị, vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó, tỉnh, huyện hỗ trợ 1,2 tỷ đồng.
Tổ hợp tác chỉ tập trung sản xuất 2 loại sản phẩm chính là dưa lưới và dưa chuột baby trên giá thể theo quy trình VietGAP, 3 vụ/năm, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Trừ các khoản chi phí, 3 mô hình nhà màng thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, mức lương 250 nghìn đồng/ngày.
Nhằm mở rộng thị trường và nâng giá trị sản phẩm, tháng 3/2021, anh Khiên đã phát triển tổ hợp tác của mình thành Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp CNC Tam Dị do anh làm Giám đốc, hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP để cung ứng cho thị trường cao cấp.
Tìm hiểu tại HTX Nông nghiệp CNC Huyền Trang, xã Ngọc Lý (Tân Yên), ông Giáp Văn Nhân, Giám đốc chia sẻ, HTX được UBND xã Ngọc Lý tạo điều kiện cho thuê hơn 7 ha đất nông nghiệp tại các thôn: Sỏi Làng, Cầu Đồng 10, Tân Lập và An Lập.
Nhận thấy sản xuất nông nghiệp CNC mang lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao, nguồn lợi lớn lại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên năm 2020, HTX đầu tư gần 10 tỷ đồng (trong đó tỉnh hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng) xây dựng 1,1 ha nhà màng.
Nhờ áp dụng máy móc vào các khâu: Làm đất, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá và đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào thâm canh, như: Dưa lưới, dưa baby, cà chua… nên năng suất cây trồng cao, bình quân đạt 200 tấn/ha nhà màng/năm, doanh thu 4 tỷ đồng, lợi nhuận 30%.
Ông Nhân nói: “Việc áp dụng CNC, quy trình sản xuất sạch vào sản xuất làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng lên gấp nhiều lần so với thâm canh thông thường. Hiện tại, dưa chuột baby Huyền Trang của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh nên sản xuất ra đến đâu, bán hết đến đó”.
Ngoài ra, UBND xã Ngọc Lý còn đứng ra vận động bà con có ruộng bỏ không liên kết với HTX Nông nghiệp CNC Huyền Trang để trồng khoai tây vụ đông giống mới, diện tích từ 10-20 ha. Trong đó, HTX chịu trách nhiệm làm đất, cung ứng phân bón, giống, kỹ thuật. Cuối vụ, HTX thu mua sản phẩm cung ứng theo hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến.
Được biết, đến nay, toàn tỉnh triển khai xây dựng được hơn 320 mô hình nhà lưới, nhà màng ứng dụng CNC, tổng diện tích 56,6 ha. Trong đó, 184 mô hình thực hiện theo Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng diện tích hơn 40,7 ha, kinh phí hỗ trợ gần 110 tỷ đồng.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp
Nghị quyết 130 ra đời trong bối cảnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là CNC vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Mục tiêu của Nghị quyết 130 là phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng CNC; tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và thu nhập của người sản xuất; tạo lập thương hiệu, nâng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hoá của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết, giá trị sản xuất/1 đơn vị diện tích ứng dụng CNC bình quân đạt từ 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường.
Toàn tỉnh xây dựng được hơn 320 mô hình nhà lưới, nhà màng ứng dụng CNC, tổng diện tích 56,6 ha. Trong đó, 184 mô hình thực hiện theo Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng diện tích hơn 40,7 ha, kinh phí hỗ trợ gần 110 tỷ đồng. |
Mô hình sản xuất rau, hoa, nấm trong nhà lưới, nhà màng, nhà lạnh doanh thu đạt từ 700 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, tăng từ 7-10 lần so với sản xuất thông thường.
Nhiều mô hình sản xuất hoa cao cấp, cây cảnh và dưa lưới doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Đây là tiền đề để Bắc Giang xây dựng, đạt hơn 100 sản phẩm OCOP trong lĩnh vực trồng trọt.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành, duy trì một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên; rau cần Hoàng Lương (Hiệp Hòa)... góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp từ sản xuất nhỏ bán trong nước sang sản xuất hàng hoá, xuất khẩu.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, những thành tựu của ngành Nông nghiệp Bắc Giang đạt được khi thực hiện Nghị quyết 130 là nền tảng cho một loạt chính sách mới của tỉnh và T.Ư về ứng dụng khoa học CNC, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất và nông nghiệp xanh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo như:
Nghị quyết 401-NQ/TU ngày 3/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 11/7/2019 quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2025...
Đặc biệt, sự thành công của Nghị quyết 130 đã góp phần để T.Ư về khảo sát và ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để Nghị quyết 130 ngày càng phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 130 cùng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng nông nghiệp của tỉnh để thu hút đầu tư.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao CNC, công nghệ thông tin vào sản xuất, sơ chế, bảo quản và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; thực hiện tốt sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)