Nâng cao hiệu quả quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ
Từ năm 2020 đến 2022, Sở KH&CN Bắc Giang quản lý và thực hiện 173 đề tài, dự án (ĐTDA) NCƯD. Trong đó nhiệm vụ chuyển tiếp là 22, mở mới là 151 nhiệm vụ. Cấp bộ, cấp quốc gia chuyển tiếp 9 nhiệm vụ, mở mới 8; đã nghiệm thu 4 ĐTDA.
![]() |
Lãnh đạo Sở KH&CN thăm mô hình nhân giống bơ tại xã Bảo Sơn (Lục Nam). |
Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh có 13 ĐTDA chuyển tiếp từ năm trước, 45 ĐTDA mở mới, đã nghiệm thu 19 ĐTDA. Cấp cơ sở có 98 ĐTDA mở mới, đã nghiệm thu 87 ĐTDA. Tỷ lệ kinh phí quyết toán, kinh phí được giao ở mức cao, từ 95,3% đến 99,7 %. Đồng thời, quản lý tài chính trong NCƯD đã đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động hơn trong sử dụng và quản lý các nguồn lực tài chính.
Việc kiểm tra được thực hiện định kỳ và đột xuất nhằm tìm ra những bất cập; hướng dẫn, giúp các đơn vị thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, quyết toán đã bộc lộ một số hạn chế. Từ kiểm soát chi, xét duyệt quyết toán đã phát hiện và xuất toán đối với một số ĐTDA chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.
Quyết toán kinh phí chi cho hoạt động NCƯD còn bất cập như: Mức dự toán ban đầu do các đơn vị chủ trì đề xuất phải điều chỉnh do nhiều yếu tố như trượt giá, thay đổi chế độ chính sách… Những quy định hiện hành khiến việc xử lý chi phát sinh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu; có tình trạng các đơn vị chủ trì hợp thức hóa chứng từ cho đúng với dự toán ban đầu được giao.
Thủ tục thanh toán, quyết toán ĐTDA còn rườm rà. Bên cạnh đó, nhiệm vụ được cơ quan quản lý thực hiện thanh tra còn hạn chế, đạt 1,73%. Việc quản lý chi ngân sách nhà nước (NSNN) chủ yếu giao cho cơ quan chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ... Cơ chế đặt hàng và phân bổ kinh phí chưa kịp thời làm mất tính thời sự của vấn đề nghiên cứu. Việc ký hợp đồng triển khai ĐTDA phải qua quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian, từ đề xuất nhiệm vụ, thông qua các hội đồng tư vấn, dẫn tới nhiều nhiệm vụ khi được cấp kinh phí thì không còn tính thời sự hoặc do lạm phát nên không đủ kinh phí thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả quản lý kinh phí sự nghiệp KH&CN cần đổi mới, nâng cao hiệu quả quá trình lập dự toán kinh phí sự nghiệp KH&CN. Các ĐTDA nên được thẩm định vào quý IV của năm kế hoạch. Hoàn thiện quá trình phân bổ kinh phí sự nghiệp KH&CN, bảo đảm yêu cầu đúng đối tượng, định mức và thời gian phân bổ theo nguyên tắc bảo đảm hiệu quả trong chi tiêu.
Ưu tiên thanh toán kinh phí cho các ĐTDA đã ký hợp đồng từ các năm trước theo tiến độ, sau đó bố trí vốn cho ĐTDA mở mới. Rà soát, sửa đổi, bổ sung thường xuyên các hướng dẫn quản lý tài chính, thống nhất từ Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Kho bạc Nhà nước để tăng tính chủ động của các đơn vị nghiên cứu trong quá trình sử dụng kinh phí. Hoàn thiện quy trình kiểm tra, thanh quyết toán nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN, cắt giảm giấy tờ, biểu mẫu, thủ tục thanh toán... Nâng cao hiệu quả thẩm tra hoạt động quyết toán chi ngân sách cho hoạt động NCƯD.
Tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra công tác quản lý chi sự nghiệp KH&CN. Kịp thời đánh giá tiến độ và chất lượng thực hiện để đưa ra khuyến nghị cần thiết. Khắc phục tình trạng khi các đơn vị chi xong mới kiểm tra. Tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ quản lý chi ngân sách, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ kế toán. Phát hành "Sổ tay quản lý chi kinh phí sự nghiệp KH&CN", giúp cán bộ quản lý chi ngân sách trong NCƯD có hướng dẫn cụ thể để áp dụng.
Kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế tài chính; đơn giản hóa thủ tục tạm ứng, thanh toán, quyết toán ĐTDA để các nhà khoa học dành nhiều thời gian, tâm trí cho nghiên cứu.
Sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng không quy định việc mua sắm các tài sản, nguyên vật liệu có sử dụng NSNN cho nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt theo Luật KH&CN thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, do hoạt động nghiên cứu khoa học là đặc thù, không thể áp dụng mua sắm giống như hàng hóa thông thường. Bộ KH&CN ban hành hướng dẫn cụ thể việc xử lý tài sản đối với các nhiệm vụ KH&CN; phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu chung đối với các gói thầu sử dụng nhiều nguồn vốn NSNN (bao gồm cấp T.Ư, cấp tỉnh và nguồn khác).
Trần Thị Phượng
Ý kiến bạn đọc (0)