Mô hình Bưu điện - Văn hóa xã kiểu mới: Đổi mới quản lý, mở rộng dịch vụ
Nhiều tiện ích
Tháng 8/2020, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi, thành lập BĐVHX ở các tỉnh, TP là đơn vị quản lý cấp 4 của Tổng Công ty và hoạt động theo mô hình mới. Mục tiêu là phục vụ công ích và kinh doanh tại địa bàn xã nhằm tạo doanh thu đột phá, bao phủ thị trường bằng nâng cao năng lực tổ chức sản xuất; kinh doanh cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội. Tại Bắc Giang, mô hình đã và đang hình thành, bước đầu có nhiều ưu điểm.
![]() |
Người dân đến mua sắm các mặt hàng thiết yếu tại Bưu điện văn hóa xã Yên Sơn (Lục Nam). |
Trước đây, tỷ lệ tiếp nhận các TTHC, giao dịch ở BĐVHX Yên Sơn (Lục Nam) đạt thấp. Tháng 12/2020, Bưu điện tỉnh đã chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới tại đây và được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ 100 triệu đồng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động kinh doanh, trở thành điểm cung cấp thông tin văn hóa, xã hội; phát hành sách, báo...
Cho người dân. Đặc biệt, đơn vị chuyển sang đa dịch vụ, ngoài bưu chính công ích, chuyển phát thư, báo, hàng hóa... còn phục vụ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), thu bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân; kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu.
Chị Vũ Thị Chính, Trưởng BĐVHX Yên Sơn cho biết: Từ khi chuyển đổi, đơn vị bố trí 2-3 nhân viên trực bán hàng và hướng dẫn, tiếp nhận các TTHC cũng như dịch vụ khác. Với cách làm này, chỉ sau một tháng khai trương, lượng khách hàng đến giao dịch tăng, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng, cao hơn khoảng 150 triệu đồng so với tháng trước.
Tương tự, Bưu điện huyện Lạng Giang vừa chuyển đổi 5 điểm sang BĐVHX kiểu mới ở các xã: An Hà, Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Tiên Lục, Tân Thanh. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, các dịch vụ đều hài lòng người dân. Ví như, tại BĐVHX Nghĩa Hưng, những hạn chế trước đây đã được khắc phục, hoạt động hiệu quả như: Nhân viên sử dụng các dịch vụ qua Internet thành thạo, ứng dụng các phần mềm tiện ích vào xử lý công việc nhanh gọn; hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ hành chính công chi trả lương hưu, trợ cấp, chứng minh nhân dân, hồ sơ BHXH...
Qua đó góp phần giảm tải cho các cơ quan hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Anh Nguyễn Văn Tuyến, thôn 6, xã Nghĩa Hưng cho biết: “Tôi vừa làm xong thủ tục đăng ký đóng BHXH tự nguyện tại BĐVHX. Cán bộ ở đây hướng dẫn tận tình, chu đáo. Từ nay, người dân không phải đến BHXH huyện để làm các thủ tục như trước". Tính riêng việc tiếp nhận TTHC về đăng ký BHXH tự nguyện và BHYT, từ tháng 12/2020 đến nay, BĐVHX Nghĩa Hưng đã tiếp nhận hơn 100 thủ tục.
Năm nay, Bưu điện huyện Lạng Giang sẽ nhân rộng mô hình ra các điểm bưu điện cấp xã còn lại. Mục tiêu dần từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, doanh thu tăng khoảng 30%/năm/điểm. Đơn vị chỉ đạo các BĐVHX nâng cao chất lượng dịch vụ gian hàng tiêu dùng cho người dân, chỉ bày bán sản phẩm OCOP của địa phương và hàng hóa của các DN mà Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết nhằm kiểm soát chất lượng, giá cả.
Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên
Theo bà Lê Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, việc xây dựng, chuyển đổi BĐVHX xã sang hoạt động theo mô hình kiểu mới đã đạt được hiệu quả bước đầu. Toàn tỉnh hiện có 10 điểm BĐVHX đã chuyển đổi gồm: Yên Sơn (Lục Nam); Phì Điền (Lục Ngạn); An Hà, Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Tiên Lục, Tân Thanh (Lạng Giang); Phúc Hòa (Tân Yên); Đồng Kỳ và thị trấn Bố Hạ (Yên Thế). Trong năm 2021, đơn vị sẽ chuyển đổi 144/180 điểm toàn tỉnh, chiếm khoảng 80%.
![]() Toàn tỉnh hiện có 10 điểm BĐVHX đã chuyển đổi xong, gồm xã: Yên Sơn (Lục Nam); Phì Điền (Lục Ngạn); An Hà, Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Tiên Lục, Tân Thanh (Lạng Giang); Phúc Hòa (Tân Yên); Đồng Kỳ và thị trấn Bố Hạ (Yên Thế). Dự kiến năm 2021 sẽ chuyển đổi 144/180 điểm BĐVHX sang hoạt động theo mô hình mới, chiếm 80% số điểm đang hoạt động". Bà Lê Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh. |
Ngay từ đầu năm nay, Bưu điện tỉnh chỉ đạo Bưu điện các huyện, TP tổ chức, hướng dẫn các đơn vị học tập, đánh giá, nhân rộng mô hình. Chú trọng tập huấn cho cán bộ, nhân viên sử dụng thành thạo các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin; bồi dưỡng tác phong, nghiệp vụ nghề nghiệp; nâng cao kiến thức trong tư vấn giải quyết TTHC công.
Bưu điện tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chuyển đổi mô hình tại các địa phương, kịp thời tháo gỡ hạn chế, vướng mắc. Được biết, việc chuyển đổi mô hình BĐVHX cần nhiều thời gian, công sức và kinh phí trong khi trình độ năng lực của cán bộ, nhân viên ở các đơn vị khác nhau, nhất là vùng dân tộc thiểu số.
Vì thế, các đơn vị cấp huyện và xã chủ động bố trí kinh phí tổ chức đào tạo, tập huấn, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực phù hợp với tính chất công việc của BĐVHX.
Cũng theo lãnh đạo Bưu điện tỉnh, để các BĐVHX thực sự trở thành “cánh tay nối dài của chính quyền địa phương” trong phục vụ nhân dân, rất cần sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Trong đó, quan tâm quy hoạch đất đai để xây dựng, mở rộng trụ sở BĐVHX.
Các cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho BĐVHX thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, điểm cung cấp dịch vụ công, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)