Mất cảnh giác, sập bẫy đối tượng lừa đảo
Nhiều thủ đoạn phạm tội
![]() |
Công an huyện Lạng Giang dẫn giải đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Chiều 5/9, tại đường Lê Đức Trung, tổ dân phố 3, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng, Bắc Giang), Công an huyện bắt quả tang Trần Thanh Tùng (SN 1987) ở khu 3, phường Đông Triều, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) và Nguyễn Văn Trường (SN 1983) ở tiểu khu Mó La, thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình). Với thủ đoạn tinh vi, hai đối tượng này đã làm giả, đánh tráo cặp số trúng thưởng kết quả xổ số kiến thiết Miền Bắc ngày 4/9, có giá trị giải thưởng là 19,5 triệu đồng của ông Nguyễn Đăng Tý (SN 1954, người bán vé số) ở tổ dân phố 4, thị trấn Nham Biền.
Bằng những thủ đoạn tinh vi, nhiều đối tượng sử dụng tài "khua môi, múa mép", tạo dựng bản thân là người giàu có với những mối quan hệ rộng, có khả năng "chạy án" để rồi lừa đảo người dân lương thiện. Trường hợp anh Thân Văn T (SN 1976) ở thôn Giếng, xã Tiên Lục (Lạng Giang) là một ví dụ.
Đầu năm nay, anh T và 5 người khác đã đưa cho Nguyễn Đình H (SN 1977) ở cùng thôn 240 triệu đồng để “chạy án” cho người thân. Thế nhưng án vẫn nguyên còn tiền thì chẳng thể lấy lại. Cực chẳng đã, cuối tháng 8 vừa qua, anh T đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của H tới cơ quan công an.
Với thủ đoạn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và nói dối rằng mình cần tiền gấp nên muốn bán nhanh các lô đất ghi theo sổ đỏ trên với giá rẻ hơn thị trường, Nguyễn Thị Nguyên (SN 1985) trú tại tổ dân phố Phúc Lâm, thị trấn Nếnh (Việt Yên) đã khiến nhiều người sập bẫy. Từ năm 2019 đến đầu năm 2020, đối tượng này đã sử dụng sổ đỏ giả ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với nhiều người và chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng của các bị hại. Khi cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng, nhiều người mới tá hỏa khi biết mình bị lừa.
Một trong những cách thức phổ biến của đối tượng phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là mượn phương tiện rồi mang đi cầm cố. Ngày 27/8, Công an huyện Việt Yên tiếp nhận đơn trình báo của anh Nguyễn Văn Huy (SN 1994), trú tại thôn Nghĩa Tiến, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) về việc bị Nguyễn Thị Thúy (SN 1990) ở thôn Chàng, xã Việt Tiến (Việt Yên) mượn xe mô tô BKS 98D1-634.55 nhưng không trả.
Ngày 26/8, Công an TP Bắc Giang tạm giữ Lê Duy Huy (SN 1990), trú tại thôn Hương Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) - người thuê ô tô BKS 98A-241.87 của anh Nguyễn Văn Quang (SN 1991) ở thôn Núi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) nhưng không trả mà đem bán.
Còn chủ quan, mất cảnh giác
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra gần 20 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng tỷ đồng. Đáng chú ý là xuất hiện loại tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, môi giới việc làm, “chạy án”. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Nhiều người dân mất hàng trăm triệu đồng từ những chiêu lừa trên mạng xã hội hoặc đối tượng giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát dàn cảnh lừa đảo. Khác với việc điều tra những vụ lừa đảo mà đối tượng và nạn nhân giao dịch trực tiếp, hầu hết những vụ lừa đảo qua mạng xã hội Facebook đều không tìm được đối tượng. Quá trình hoạt động, chúng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, địa bàn hoạt động, cư trú.
Sau khi chiếm đoạt được tài sản, bọn chúng sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp do sự chủ quan, thiếu cảnh giác của các bị hại khi dễ dàng cho, mượn tài sản. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn thiếu hiểu biết, vì lòng tham mà mù quáng thực hiện theo yêu cầu của kẻ gian để rồi “mất cả chì lẫn chài”.
Trước tình trạng trên, Công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm. Phòng Cảnh sát hình sự tập trung đấu tranh với các ổ nhóm lừa đảo, nhất là tội phạm công nghệ cao. Tại các địa phương, việc quản lý địa bàn, đối tượng được rà soát chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng nghi vấn để tổ chức đấu tranh, triệt xóa.
Lực lượng công an một mặt tích cực phòng ngừa, mặt khác phối hợp với các ngành chức năng tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, đưa ra xét xử điểm một số vụ án để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa… Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, điều quan trọng hơn cả vẫn là ý thức cảnh giác, sự tỉnh táo của người dân trước các chiêu lừa để không sập bẫy kẻ gian.
Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)