Mạng ảo, lừa thật
Tôi có người bạn, gần đây anh liên tục nhận được điện thoại từ đầu số lạ: + 56118…. Gọi một lần không nghe, họ gọi lần 2, lần 3 khiến anh hoang mang. Chụp lại màn hình hỏi bên công an, các anh bảo tốt nhất những số như thế này không nghe, không gọi lại vì họ gọi trên nền Vopi, là đầu số quốc tế nhưng thực chất là ảo để lấy thông tin cá nhân.
Nhiều người bảo, tưởng rằng sau chuyên án bắt giữ hàng loạt đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội chiếm đoạt hàng tỷ đồng hồi trung tuần tháng 5 vừa qua thì vấn nạn lừa đảo sẽ giảm bớt. Nhưng không, sau thời gian “án binh bất động”, cuối tháng 7, đầu tháng 8, các đối tượng lừa đảo qua mạng tiếp tục “ra tay”, thực hiện nhiều chiêu trò, kiểu như gọi điện thoại với anh bạn kể trên.
Một chiêu thức lừa đảo khác cũng thường xuyên được tội phạm mạng áp dụng, đó là gửi các đường link lạ, các ứng dụng như kiểu trò chơi quay số trúng thưởng, ứng dụng thi trắc nghiệm... đến email, tin nhắn mạng xã hội hay tin nhắn trong các ứng dụng chat trên thiết bị di động của người sử dụng. Nếu tò mò, nhấn vào các đường link này hoặc tải những trò chơi hay ứng dụng đó thì các thông tin của người sử dụng lưu trên điện thoại có thể bị sao chép trong tích tắc.
Đặc biệt, tội phạm mạng còn có thể sử dụng phần mềm mạo danh đầu số điện thoại của Bộ Công an, để giả danh lừa đảo hoặc đe doạ người sử dụng đang dính líu vào các vụ án nghiêm trọng nhằm chiếm đoạt tiền.
Có thể nói, tất cả những chiêu trò lừa đảo như thế này không mới nhưng vẫn luôn có nạn nhân bị sập bẫy. Có thể do tò mò, thiếu hiểu biết, lo sợ khi bỗng nhiên dồn dập có người gọi điện thoại tới, thậm chí cả vì lòng tham với những chiêu thức gửi quà tặng… nên nhiều người, đặc biệt người già, cán bộ công chức nghỉ hưu, bà con nông dân dễ mắc lừa. Hậu quả người bị lừa ít thì vài ba triệu, còn không, có người không có tiền còn đi vay, giấu gia đình để vay mượn, nộp cho bọn lừa đảo.
Trên mạng thì bao giờ cũng là ảo. Ảo vì không biết người gọi tới, không biết họ là ai và chỉ một chút sơ hở của bản thân, các đối tượng đã dễ dàng đánh cắp thông tin cá nhân quan trọng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… Và tất nhiên, sau khi có thông tin này, họ tiếp tục lừa đảo, tiền mất là thật.
Thời buổi công nghệ 4.0, không ai có thể đứng ngoài công nghệ nhưng phải là người dùng mạng xã hội thông thái. Thông thái ở đây đơn giản là thực hiện khuyến cáo từ cơ quan công an, không nhấn vào các đường link lạ, không đăng nhập tài khoản cá nhân vào bất kỳ dịch vụ nào khả nghi hoặc bất thường và nếu có bạn bè hỏi vay tiền, mua đồ giúp cần trực tuyến kiểm tra lại… Có như vậy, mới không để các đối tượng dùng mạng ảo để lừa thật được.
Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc (0)