Mất tiền thật từ "mạng ảo"
Liên tục bị lừa
Bà Phùng Thị L (SN 1948) ở xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) được con cháu mua cho một chiếc điện thoại thông minh và lập tài khoản facebook. Đầu tháng 10 vừa qua, một tài khoản lạ giới thiệu là người nước ngoài nhắn tin kết bạn rồi thông báo sẽ gửi quà có giá trị cao.
![]() |
Đối tượng Lê Thị Hồng Thoảng, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) lừa gần 500 triệu đồng qua zalo. |
Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là Internet, không ít đối tượng xấu đã sử dụng để chiếm đoạt thông tin, tài sản cá nhân nhằm trục lợi. Chị Phan Thu P (SN 1989) ở xã Phúc Hòa (Tân Yên) có chị gái đang lao động ở Ma-lai-xi-a nên quen một số người bạn đến từ quốc gia này. Vì thế khi được một tài khoản facebook nhắn tin có mối làm ăn tốt bên đó và mời chung vốn, chị P không ngần ngại chuyển cho đối tượng hơn 1,2 tỷ đồng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị T (SN 1992) ở xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cũng mất 50 triệu đồng vì tin lời một người bạn quốc tịch Hàn Quốc quen qua mạng. Mới đây, có đối tượng nam giới xưng là nhân viên của ngân hàng gọi điện cho chị Ngô Thị Hồng Nhung (SN 1994) ở xã Bắc Lý (Hiệp Hòa) yêu cầu cung cấp mã OPT để hoàn thiện việc đăng ký dịch vụ Mobile Banking.
Do tin tưởng và thiếu hiểu biết, chị hai lần cung cấp mã cho đối tượng rồi bị chiếm đoạt 36 triệu đồng trong tài khoản. Chị Nhung cho biết:“Khi phát hiện tài khoản bị mất tiền, tôi đã nhiều lần gọi lại nhưng không thể liên lạc được. Hỏi ngân hàng thì được biết, tiền của tôi được chuyển vào hai tài khoản khác nhau, các giao dịch đều hợp lệ”.
Tỉnh táo để không sập bẫy
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng trong cả nước liên tiếp phát hiện, bắt giữ các nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua công nghệ cao. Tại Bắc Giang, tháng 7 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Lê Thị Hồng Thoảng (SN 1989) ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự và công an các huyện, TP đã tiếp nhận đơn thư phản ánh của hàng chục phụ nữ bị lừa tiền trong đó có cả giáo viên, cán bộ nhà nước. Phương thức, thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là giả danh kỹ sư, bác sĩ, quân nhân Mỹ làm quen, kết bạn qua facebook, zalo… rồi hứa bảo lãnh đi nước ngoài hay gửi quà tặng, làm từ thiện hoặc vay mượn, sau đó, yêu cầu bị hại phải nộp thuế, phí. |
Để thực hiện hành vi, đầu tháng 5-2019, Thoảng lập tài khoản zalo “Hương Smile” lấy ảnh trên mạng làm đại diện rồi làm quen với anh Đỗ Thanh T (SN 1991) ở TP Bắc Giang. Sau khi lấy được tình cảm của anh T, đối tượng tiếp tục lập 3 zalo khác với danh nghĩa là bố, mẹ và dì ruột của “Hương Smile”.
Từ những địa chỉ này, Thoảng liên tục nhắn tin đề nghị anh T chuyển tiền để đối tượng đi du học Hàn Quốc, điều trị bệnh cho bố, mẹ và giúp gia đình dì đang gặp khó khăn. Bằng thủ đoạn này, đối tượng lừa của anh T gần 500 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự và công an các huyện, TP đã tiếp nhận đơn thư phản ánh của hàng chục phụ nữ bị lừa tiền trong đó có cả giáo viên, cán bộ nhà nước. Phương thức, thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là giả danh kỹ sư, bác sĩ, quân nhân Mỹ làm quen, kết bạn qua facebook, zalo… rồi hứa bảo lãnh đi nước ngoài hay gửi quà tặng, làm từ thiện hoặc vay mượn, sau đó, yêu cầu bị hại phải nộp thuế, phí.
Cũng có rất nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn không mới như giả danh cán bộ ngành công an, Viện kiểm sát, Tòa án thông báo nạn nhân liên quan đến một vụ án nào đó, rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để chiếm đoạt hoặc chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến. Dù phương thức không mới nhưng nhiều nạn nhân vẫn dễ dàng sập bẫy.
Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm này, lực lượng công an chủ động tham mưu cho các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đồng thời chủ động tiếp nhận tin tố giác tội phạm để đấu tranh. “Hiện các đối tượng lợi dụng không gian mạng để hoạt động đang có xu hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi. Thông thường, khi nạn nhân đã bị lừa chiếm đoạt tiền thì rất khó lấy lại tài sản. Chỉ những trường hợp được phát hiện kịp thời mới có thể phong tỏa tài khoản và thu hồi.
Do vậy, khi thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân nên báo ngay cho cơ quan chức năng. Quan trọng nhất vẫn là tinh thần cảnh giác của người dân trong mọi mối quan hệ, thông tin trên mạng. Nếu nhận được tin nhắn nhờ chuyển tiền, nạp thẻ cần liên hệ trực tiếp với người yêu cầu để xác minh”, Thượng tá Trịnh Nguyên Lượng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) khuyến cáo.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)