Liên kết sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản: Thu mua kịp thời, giá ổn định
Người dân phấn khởi
Trò truyện với ông Hoàng Ngọc Thanh, thôn Lâm III, xã Nam Dương khi gia đình ông vừa bán cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu hơn 2 tấn vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, ông phấn khởi nói: “Để đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản, vải thiều phải được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, khi thu hoạch cũng cần thực hiện nghiêm ngặt về thời gian, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào, ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã quả”.
![]() |
Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn và các chuyên gia kiểm tra vải thiều chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản. |
Biết khả năng chăm sóc vải thiều của gia đình ông Thanh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên ngay từ đầu năm, UBND huyện Lục Ngạn đã giới thiệu với cơ quan chức năng, DN đến khảo sát, cấp mã số vùng trồng và ký kết hợp đồng sản xuất, thu mua vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Gia đình ông Thanh hiện có 350 cây vải, trồng cách đây 25 năm. Do chăm sóc đúng kỹ thuật cộng với kinh nghiệm lâu năm làm vườn nên vải thiều của gia đình ông năm nay cho sai quả, chất lượng bảo đảm, ước sản lượng khoảng 10 tấn.
Ngoài lượng vải đủ tiêu chuẩn bán cho DN thu mua theo hợp đồng để xuất khẩu sang Nhật Bản, gia đình ông Thanh chủ động bán số còn lại cho các thương nhân khác để xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ trong nước, giá bán bình quân đạt khoảng 23 nghìn đồng/kg.
Cũng như gia đình ông Thanh, gia đình ông Lục Văn Bích, thôn Na Hem, xã Hộ Đáp đã bán cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ hơn 3 tấn vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.
Gia đình ông Bích là một trong 4 hộ ở thôn Na Hem được đơn vị chức năng cấp mã số vùng trồng và hướng dẫn thực hiện chăm sóc vải thiều theo quy trình GlobalGAP, với tổng diện tích hơn 4 ha. “Mặc dù khi thu hoạch vải thiều xuất khẩu, người dân mất nhiều thời gian phân loại quả song đổi lại bán với giá cao. Nhiều hộ dân trong xã mong muốn, thời gian tới được các DN ký hợp đồng thu mua vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản vì bán được giá cao, lại ổn định”, ông Bích chia sẻ.
Phối hợp chặt chẽ
![]() |
Thương nhân đến tận vườn thu mua vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Một điểm cân ở thôn Na Hem, xã Hộ Đáp . |
Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên công tác chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng từ tỉnh đến huyện, xã đặc biệt quan tâm. Điểm mới trong năm 2020 là tập trung chỉ đạo sản xuất vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là thị trường mới rất khó tính nhưng có nhiều tiềm năng, giúp làm tăng giá trị kinh tế của vải thiều Bắc Giang.
Theo ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) để cấp mã số cho 64 hộ tham gia với diện tích 50 ha, tại các xã: Hồng Giang, Quý Sơn, Giáp Sơn, Tân Sơn.
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết năm nay không thuận lợi, tỷ lệ ra hoa trà vải thiều chính vụ nói chung đạt thấp. Nhiều vườn đã được cấp mã số vùng trồng tại xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Quý Sơn ra hoa ít, hoa xen lộc nhiều.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh rà soát cấp bổ sung thêm 48 ha, cho 35 hộ gia đình có tỷ lệ ra hoa cao tại các xã Nam Dương, Tân Sơn, Hộ Đáp và Quý Sơn, nâng tổng diện tích được cấp mã số lên 98 ha ở 99 hộ. Trong đó tập trung chỉ đạo tại 38 hộ gia đình có tỷ lệ ra hoa cao để hướng dẫn chăm sóc đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, 3 DN đứng tên mã số vùng trồng đã phối hợp với địa phương để thu mua vải thiều tương đối thuận lợi với giá đã thỏa thuận từ trước là 30 nghìn đồng/kg. “Việc phối hợp giữa cơ quan chức năng của huyện với những đơn vị thu mua vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản rất chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi cả các hộ trồng vải cũng như phía DN thu mua”, ông Thi khẳng định.
Tính đến ngày 30/6/2020, sản lượng vải thiều của huyện đã tiêu thụ được hơn 81 nghìn tấn; riêng các mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ thu mua với sản lượng hơn 75 tấn. Trong thời gian tới, các DN trên tiếp tục thu mua vải thiều của các hộ dân đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho vải thiều Bắc Giang.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)