Lạng Giang: Tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng
![]() |
Quang cảnh Hội nghị |
Tham dự có Thường trực Huyện ủy; đại diện một số phòng, ban, đơn vị liên quan; lãnh đạo các xã, thị trấn có dự án đang triển khai và một số nhà thầu, nhà đầu tư.
Toàn huyện Lạng Giang đang thực hiện 177 công trình, dự án với tổng diện tích thu hồi hơn 873 ha, liên quan đến 17.300 hộ dân. Trong đó có 52 dự án đã hoàn thành, 87 dự án đang thực hiện, 38 dự án là nhà văn hóa, sân thể thao, đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi do các xã, thị trấn làm chủ đầu tư. Riêng năm 2022, huyện thu hồi, bồi thường 506 ha đất, đạt gần 60%.
Tại đây, các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những vướng mắc còn tồn tại trong công tác GPMB như: Một số trường hợp đã có quyết định thu hồi đất và áp dụng đầy đủ chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định nhưng người có đất thu hồi không đồng ý nhận tiền bồi thường, yêu cầu nâng mức bồi thường dẫn đến cố tình trì hoãn việc bàn giao đất hoặc yêu cầu mức bồi thường bất hợp lý.
Nhiều trường hợp xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp, không đủ điều kiện bồi thường về đất ở và tài sản gắn liền với đất. Do vậy, để người có đất thu hồi sớm tạo lập chỗ ở mới, ổn định cuộc sống, cơ quan chuyên môn phải cần nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm phương án giải quyết hợp lý.
Việc giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, quản lý đất đai thiếu chặt chẽ; diện tích đất thực tế chênh lệch nhiều so với diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp, điều này làm ảnh hưởng đến việc xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất...
![]() |
Đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.
|
Từ những khó khăn chung, các đại biểu kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục chỉ đạo xác định rõ trách nhiệm của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB, chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai chặt chẽ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB.
Kịp thời giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người có đất thu hồi. Đối với những trường hợp người có đất thu hồi khiếu nại về chính sách bồi thường, hỗ trợ và có cơ sở để giải quyết thì tập trung cao giải quyết theo quy định của pháp luật.
Kết luận hội nghị, đồng chí Tạ Huy Cần, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Xác định công tác bồi thường GPMB là việc khó phức tạp, hằng năm cấp ủy, chính quyền huyện tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung cao cho nhiệm vụ này thông qua nhiều biện pháp như: Gắn trách nhiệm người đứng đầu; phân công các đồng chí Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên phụ trách địa bàn bám sát cơ sở để nắm bắt và cùng UBND huyện có biện pháp giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc từ khi mới phát sinh.
Thời gian tới, đồng chí đề nghị UBND huyện chỉ đạo, kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo GPMB các cấp theo hướng dẫn quy trình. Xem xét xây dựng bộ quy trình về công tác GPMB. Trong bộ quy trình nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của từng cá nhân, tổ chức, tiến độ thực hiện.
Tăng cường tuyên truyền, vận động, đối thoại để tạo đồng thuận trong nhân dân; lựa chọn cử cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, kinh nghiệm và mời mặt trận, các đoàn thể, người có uy tín tại nơi thu hồi đất cùng tham gia tuyên truyền, vận động.
Tin, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)