Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Trải nghiệm tác nghiệp tại SEA Games 31
Muôn phương hội tụ
Nhà Thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang là nơi diễn ra các trận thi đấu môn cầu lông SEA Games 31 (từ ngày 16/5 đến 22/5) với sự tham gia của 135 vận động viên (VĐV) đến từ 8 quốc gia gồm: Malaysia, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.
![]() |
Biên dịch viên Báo Bắc Giang phỏng vấn các nhà báo Indonesia. |
Trong 7 ngày diễn ra các trận đấu, gần 100 phóng viên báo chí trong nước, quốc tế của 23 cơ quan báo chí đến đây tác nghiệp. Để thông tin nhanh chóng, chuẩn xác, hấp dẫn về sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực, các cơ quan báo chí đã lên kế hoạch chi tiết, khoa học. Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) tỉnh huy động đông đảo lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên tham gia tác nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Giang Nam, Phó Giám đốc Đài PT&TH Bắc Giang cho biết, để sự kiện thể thao đặc biệt này đến được đông đảo công chúng, người hâm mộ, Ban Tổ chức SEA Games 31 và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) giao Đài PT&TH Bắc Giang tường thuật trực tiếp tất cả các trận đấu, truyền tín hiệu về Trung tâm báo chí của SEA Games 31 phục vụ việc lấy tín hiệu truyền hình trực tiếp về các nước.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị đã cử gần 30 cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên tham gia các khóa tập huấn; chuẩn bị xe truyền hình lưu động, phối hợp cùng VTV kết nối thêm nhiều thiết bị hiện đại.
Xác định đây là sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực, quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh, Ban Biên tập Báo Bắc Giang chỉ đạo bài bản công tác tuyên truyền, quảng bá, từ xây dựng kế hoạch tuyên truyền chi tiết trước, trong và sau khi sự kiện kết thúc đến công tác phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ.
Các tin, bài, ảnh gồm cả tiếng Việt, tiếng Anh và video clip liên tục được cập nhật trên báo điện tử, đồng thời đăng tải trên các ấn phẩm báo in. Số lượt độc giả trong và ngoài nước truy cập vào Báo Bắc Giang điện tử tăng mạnh.
Báo Bắc Giang còn cử biên dịch viên tiếng Anh hỗ trợ các phóng viên trong nước, quốc tế trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Nhờ đó, hàng chục tin, bài, phóng sự, ý kiến phỏng vấn phóng viên quốc tế được biên dịch viên Báo Bắc Giang hỗ trợ, đăng tải, phát sóng kịp thời. Nhiều trận đấu kéo dài qua trưa, khuya muộn song các ê kíp vẫn miệt mài làm việc. Những bài viết, bức ảnh, khuôn hình nóng hổi được thực hiện từ Nhà Thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang liên tục được cập nhật.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình tác nghiệp, phóng viên cũng gặp không ít khó khăn, đơn cử như việc gặp gỡ, phỏng vấn các VĐV. Do yêu cầu bảo đảm khoảng cách về phòng dịch Covid-19 nên phóng viên rất khó tiếp cận các VĐV. Bất đồng về ngôn ngữ (nhiều VĐV nói không trôi chảy, ít vốn từ hay không biết nói tiếng Anh) cũng khiến việc khai thác thông tin đôi khi không được như mong muốn. Để khắc phục, phóng viên, biên dịch viên phải linh hoạt, xoay xở tìm sự hỗ trợ của các chuyên gia (nói thạo tiếng Anh) nước đó để dịch.
Phóng viên Đỗ Quyên, Phòng Văn hóa- Xã hội, Báo Bắc Giang tâm sự: Lần đầu tác nghiệp tại sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á, chị cùng đồng nghiệp thấy rất vinh dự, tự hào song cũng chịu nhiều áp lực. Do các trận đấu truyền hình trực tiếp nên khu vực tác nghiệp của phóng viên được Ban tổ chức quy định rất nghiêm ngặt, việc di chuyển ở khu vực sân thi đấu bị hạn chế.
Làm thế nào để có bức ảnh "đắt", "độc", "đẹp", kịp thời là không đơn giản. Tuy nhiên, do chuẩn bị tốt phương tiện, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp nên các tác phẩm báo chí được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm chất lượng.
Lan tỏa hình ảnh đẹp
Cùng với các phóng viên trong nước, số lượng phóng viên nước ngoài đưa tin về môn cầu lông SEA Games 31 tại Bắc Giang rất đông đảo. Trong đó, phải kể đến các quốc gia, như: Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia (mỗi nước từ 10-15 người).
![]() |
Các phóng viên trong nước, quốc tế tác nghiệp tại Nhà Thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang. |
Anh Kelly Wang, phóng viên ảnh của Ủy ban Olympic Quốc gia Singapore từng tác nghiệp tại nhiều giải thể thao ở các quốc gia trong khu vực chia sẻ: Nhóm phóng viên ảnh của Ủy ban Olympic Quốc gia Singapore sang Việt Nam có 10 người. Đoàn phải di chuyển liên tục giữa 4 địa phương đăng cai 4 môn thi đấu, trong đó có môn cầu lông tại Bắc Giang.
Sự góp mặt của đương kim vô địch thế giới Loh Kean Yew (Singapore) tại môn cầu lông SEA Games 31 nên anh và các thành viên chịu áp lực rất lớn về thời gian do cạnh tranh khốc liệt về thông tin của các hãng thông tấn. Sau 5 phút diễn ra sự kiện, phóng viên phải gửi thông tin, hình ảnh về cơ quan để xử lý, đăng tải. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực, chu đáo của Ban Tổ chức, anh và đồng nghiệp khó hoàn thành nhiệm vụ.
Một điều rất đáng khâm phục ở các phóng viên quốc tế đó là tinh thần làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp. Các phương tiện tác nghiệp (máy ảnh, máy quay phim, máy tính xách tay) đều nhỏ gọn, hiện đại. Khác với các VĐV, phần lớn phóng viên nước ngoài biết nói tiếng Anh, thuận lợi khi tác nghiệp. Mỗi khi cần Ban Tổ chức hỗ trợ, họ được cung cấp thông tin bằng tiếng Anh thông qua đội ngũ tình nguyện.
Chị Nafielah Mammudah Chusnul, phóng viên Tạp chí Điện tử PBD (Indonesia) và nhiều nhà báo quốc tế chia sẻ: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, trong đó có tỉnh Bắc Giang. Tuy vậy, công tác tổ chức SEA Games 31 rất chu đáo, nhất là việc bố trí phòng báo chí, trang bị đầy đủ máy tính, wifi tốc độ cao; thành lập nhóm hỗ trợ báo chí, giải quyết các tình huống phát sinh.
Qua đánh giá của Ban Tổ chức địa phương môn cầu lông SEA Games 31 tỉnh Bắc Giang, công tác truyền thông của các cơ quan báo chí có hiệu ứng tích cực đối với công chúng trong nước, quốc tế. Không chỉ thông tin nhanh nhạy, chính xác, kịp thời về diễn biến, kết quả các trận đấu, các phóng viên, nhà báo còn đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, vùng đất, con người Bắc Giang.
Số người đăng tải thông tin của các cơ quan báo chí trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Youtube, Facebook… về sự kiện rất lớn, được nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới biết đến. Trong một tuần diễn ra sự kiện, ước tính có hơn 50 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến Bắc Giang và hàng triệu lượt người quan tâm theo dõi qua các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội.
Sự tham gia đắc lực của các cơ quan báo chí là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công của SEA Games 31. Cũng từ công tác truyền thông cho sự kiện này, các cơ quan báo chí, nhà báo có thêm kinh nghiệm quý để tổ chức tuyên truyền cho các sự kiện mang tầm quốc tế lớn hơn tại Bắc Giang.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)