Kỷ niệm 127 năm Ngày thành lập tỉnh Bắc Giang 10/10 (1895- 2022): Quê hương yêu dấu
Thời các vua Hùng, Bắc Giang thuộc bộ Vũ Ninh của nước Văn Lang. Tên gọi Bắc Giang đã có từ thời Lý - Trần với đơn vị hành chính là lộ, thời Hậu Lê là thừa tuyên, sau đổi thành trấn Bắc Ninh, năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh. Ngày 10/10/1895, Rút-xô, viên quan toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang tách ra từ tỉnh Bắc Ninh vì “Xét tỉnh Bắc Ninh quá lớn gây rất nhiều khó khăn cho công cuộc cai trị nhất là miền núi quá xa tỉnh lỵ”. Hẳn điều viên quan toàn quyền than vãn, lo sợ chính là những cuộc khởi nghĩa chống lũ giặc xâm lăng của Cai Vàng, Đại Trận, của Cai Kinh, Tổng Bưởi, Cai Biểu, Kỳ Đồng, Đề Nắm… và nhất là của Hoàng Hoa Thám tại Yên Thế. Có lẽ viên toàn quyền ấy đã đọc được những nhận xét của người xưa: “Nơi này sinh ra nhiều danh thần, tụ tạo nhiều hào khí, không phải nhiều nơi có được”, rồi “người dân có tiếng ngạch trực”.
![]() |
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại Nhà truyền thống ATK II Hiệp Hòa. Ảnh: VH. |
Tỉnh Bắc Giang ra đời trong binh đao, loạn lạc, trong nỗi thống khổ của người dân dưới ách thống trị tàn bạo của bè lũ thực dân. Chính một sĩ quan Pháp cũng phải thừa nhận: “Năm 1897, tôi đi từ Đáp Cầu đến Phủ Lạng Thương và Kép rất sửng sốt về tình trạng bỏ hoang của cả vùng. Người ta chỉ nhìn thấy hai bên đường những làng mạc bị đốt phá hoang tàn và đồng ruộng bị bỏ hoang đầy cỏ dại”.
Hồi ấy Bắc Giang chỉ có chừng 20 vạn dân, là một trong số tỉnh bị cưỡng đoạt ruộng đất nhiều nhất - trên 4 vạn ha. Chỉ tính riêng đồn điền người Pháp đã chiếm tới hơn 3 vạn ha. Người dân vô cùng lầm than. Nhưng chính ở vùng đất đau thương này đã xuất hiện biết bao người hào khí, những con người dũng cảm, kiên cường, bất khuất. Tiêu biểu trong đó là cuộc khởi nghĩa Yên Thế suốt 30 năm từ 1884 đến 1913 làm chấn động cả xứ Đông Dương. Cuộc khởi nghĩa do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là nỗi kinh hoàng của thực dân Pháp. Với Hoàng Hoa Thám, sử gia Pháp đã thừa nhận trong cuốn “Tấn thảm kịch Đông Dương”: “Một người như vậy mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần mà thôi”.
Chính tại vùng đất này, phong trào cách mạng đã dâng cao. Việt Nam Quốc dân đảng ra đời gắn liền với tên tuổi Nguyễn Khắc Nhu - một sĩ phu yêu nước, có tiếng vang lớn. Cùng với Nguyễn Khắc Nhu là bao người dũng khí, khí tiết “không thành công cũng thành nhân” như Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang… Không có gì lạ ở vùng đất “sinh ra nhiều danh thần, tụ tạo nhiều hào khí, không phải nhiều nơi có được” khi Đảng ta ra đời, phong trào cách mạng ngày càng rộng khắp suốt từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến vùng núi.
Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên cả nước giành chính quyền cách mạng. Nơi đây có cơ sở 2 An toàn khu (ATK) của Đảng, là địa bàn hoạt động của nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng ở T.Ư và Xứ ủy Bắc Kỳ… Chính quyền cách mạng đã ra đời tại Phủ Lạng Thương vào ngày 18/8/1945, Phủ Lạng Giang ngày 19/8/1945 và đến ngày 21/8/1945 là cả tỉnh Bắc Giang.
![]() |
Trung tâm TP Bắc Giang hôm nay. Ảnh: Việt Hưng. |
Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, Bắc Giang là một trong những vùng đất không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Cũng như đồng bào cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cầu sông Thương - một Hàm Rồng thứ hai là biểu tượng anh hùng, bất khuất của quân và dân tỉnh ta, là nơi thể hiện sự tàn bạo và cũng là bất lực của giặc Mỹ trước việc ngăn chặn miền Bắc chi viện cho miền Nam. Dân quân xã Long Sơn và xã Dương Hưu ở huyện rẻo cao Sơn Động đã dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ.
Tại xã Ninh Sơn (nay là xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn) đã lập chiến công xuất sắc, bắt sống 7 tên giặc Mỹ lái máy bay, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi… Kể sao hết những tấm gương hào hùng trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân tỉnh nhà trong cuộc vệ quốc vĩ đại, thiêng liêng này. Bắc Giang được Nhà nước trao tặng danh hiệu anh hùng. Cả tỉnh có 62 xã, 272 trung đội, đại đội được tuyên dương Đơn vị Quyết thắng, rất nhiều huyện, xã, cơ quan, xí nghiệp được Chính phủ tặng thưởng các phần thưởng cao quý.
Quê hương yêu dấu chúng ta - một vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất văn hiến của vũ công lừng lẫy, của văn hóa phong phú, của tụ tạo nhiều hào khí suốt mấy nghìn năm mở đất, giữ đất sẽ vững vàng đi lên trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc. |
Từ trong đổ nát chiến tranh, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã bước vào công cuộc hàn gắn để kiến tạo cuộc sống mới. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã kiêu hãnh vang lên: “Giữa đống tro tàn tay ta nhóm lửa/Bão dập mưa chan, gan sắt dạ vàng”. Quê hương ta thực sự thay da đổi thịt, phát triển vượt bậc tưởng như chỉ có trong mơ từ năm tháng mở ra công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Nông nghiệp từ chỗ tự cấp tự túc đã thành sản phẩm hàng hóa, thực sự là trụ cột vững vàng cho nền kinh tế. Người nông dân hôm nay đâu chỉ biết bám vào ruộng đồng với lối canh tác bao đời mà nay đã bước ra khỏi lũy tre làng làm công nhân trong các khu công nghiệp.
Nông nghiệp đã khác xưa, không phải chỉ là những cánh đồng mẫu lớn, là giống lúa mới mà còn sản xuất theo công nghệ cao. Những trang trại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đã phát triển rộng khắp. Vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng toàn quốc, tung tẩy khắp thị trường trong và ngoài nước, là niềm tự hào của tỉnh nhà và vinh danh cho cả quốc gia. Rất nhiều làng quê ngày nay tưởng như đi vào phố phường, thị tứ, thị trấn. Các khu công nghiệp trải rộng dài ở cả đồng bằng lẫn miền núi đã đưa kinh tế tỉnh ta phát triển vượt bậc. Đến nay tốc độ phát triển kinh tế Bắc Giang đã dẫn đầu toàn quốc.
Dẫu biết rằng con đường đi tới còn bao trở ngại khó khăn, gian nan, cực nhọc nhưng tương lai sẽ xán lạn như Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thang”. Quê hương yêu dấu chúng ta - một vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất văn hiến của vũ công lừng lẫy, của văn hóa phong phú, của tụ tạo nhiều hào khí suốt mấy nghìn năm mở đất, giữ đất sẽ vững vàng đi lên trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đỗ Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc (0)