Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất, kinh doanh
Duy trì sản xuất liên tục
Theo Ban chỉ đạo (BCĐ) Hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ tỉnh, Hiệp Hòa là địa phương điển hình khôi phục sản xuất do tác động của dịch Covid-19. Dù đa phần địa phương khác có doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động trong thời điểm Bắc Giang là tâm dịch của cả nước song Hiệp Hòa vẫn bảo vệ an toàn sản xuất, nhất là tại DN.
![]() |
Dây chuyền sản xuất của Công ty Suntech, xã Thanh Vân (Hiệp Hòa). |
Có vị trí địa lý tiếp giáp với tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, nếu Hiệp Hòa xảy ra dịch Covid-19 thì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người dân tại địa bàn mà còn các tỉnh lân cận. Do đó, giải pháp Hiệp Hòa đặt lên hàng đầu là kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa dịch. Cùng với phòng, chống dịch, căn cứ vào tình hình thực tế, huyện khảo sát, nắm rõ thực trạng của từng DN để quyết định dừng hay cho hoạt động.
Dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng tỉnh, huyện đã triển khai đến các DN; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn DN phòng, chống dịch. Đối với DN có công nhân ở địa phương khác, huyện khuyến khích sắp xếp cho công nhân theo phương châm “3 tại chỗ” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm); cử các thành viên kết nối, nắm bắt kịp thời khó khăn của DN để chủ động tháo gỡ. Huyện cũng ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân của DN có lượng lao động lớn.
Tìm hiểu tại Công ty cổ phần Suntech, xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) được biết, DN có hơn 500 công nhân, là đơn vị phụ trợ cung cấp sạc, tai nghe và một số linh kiện điện thoại cho một số tập đoàn nước ngoài, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 100 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thị, Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ của huyện về tuyển dụng lao động, công tác phòng dịch. Chúng tôi thấy rằng, nếu dịch xảy ra thì DN bị thiệt hại nặng nề nên đã thành lập tổ Covid-19 trong DN, nắm bắt hằng ngày sức khỏe của công nhân, từ đó phân loại báo cáo với cán bộ y tế địa phương”.
Theo ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, thời điểm thực hiện cách ly xã hội, toàn huyện duy trì sản xuất khoảng 300 DN. Cho DN hoạt động đồng nghĩa vẫn phải tiêu thụ sản phẩm, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Huyện đã phối hợp, thực hiện các thủ tục để hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Với những nỗ lực trên, các DN tại huyện không phải ngừng sản xuất do dịch, đóng góp lớn cho ngân sách huyện. Đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước của huyện đạt hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch và bằng 137% dự toán tỉnh giao.
Tập trung hỗ trợ DN
Huyện Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng dù chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 song công tác khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đạt được kết quả cao. Đặc thù của địa phương là lượng công nhân ở trọ lớn, huyện Việt Yên thành lập Tổ công tác rà soát, sắp xếp bố trí nhà trọ an toàn. Kết quả có hơn 3,5 nghìn hộ kinh doanh với hơn 58,2 nghìn phòng trọ tại xã Quang Châu, Vân Trung, Tăng Tiến, thị trấn Nếnh. Tổ công tác cũng thường xuyên hỗ trợ DN thuê nhà trọ cho công nhân để bố trí ở theo khu, vùng tập trung.
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ tỉnh khẳng định, việc khôi phục sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực nhờ mỗi địa phương có cách làm hay, sáng tạo. Vì thế, tới đây, tỉnh sẽ kiện toàn, thành lập mới BCĐ hỗ trợ sản xuất thay vì khôi phục sản xuất như trước đây. |
Việc này sẽ tránh tình trạng công nhân của nhiều DN ở cùng dãy, thuận tiện cho khoanh vùng, dập dịch khi xuất hiện ca bệnh. Cũng nhờ kết nối của chính quyền địa phương, nhiều chủ nhà trọ đã có công nhân thuê ở, bước đầu có thu nhập sau đợt dịch kéo dài. Bà Nguyễn Thị Hà, thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung hiện có 20 phòng trọ đều cho công nhân Công ty New wing thuê, giá dao động từ 1-1,2 triệu đồng/phòng, bà thu về hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. Cùng với Công ty New wing, đến nay, tại huyện Việt Yên đã có 6 DN thuê nhà trọ của người dân cho công nhân ở như: Công ty Rongxin, Luxshare, Samwang với 1.567 phòng, tương ứng hơn 3,1 nghìn công nhân lưu trú. Ngoài ra còn có hơn 54 nghìn công nhân tự thuê trọ ở hai huyện Việt Yên và Yên Dũng.
Tỉnh chỉ đạo quyết liệt cùng sự vào cuộc tích của địa phương, các sở, ngành liên quan trong việc tuyển dụng, xét nghiệm lao động đã giúp hoạt động sản xuất hồi phục nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2,7 nghìn DN đang hoạt động, thậm chí một số DN còn mở rộng quy mô, giá trị hơn so với trước dịch. Các đơn hàng sau dịch tăng mạnh, DN đẩy mạnh tăng ca, nâng sản lượng.
Riêng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 của tỉnh đạt hơn 27,5 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Thu thuế xuất nhập khẩu đến nay đạt gần 1,2 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch năm, đạt hơn 150% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng hợp của Sở Công Thương, bên cạnh phục hồi công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ đã dần sôi động, lượng hàng hóa tiêu thụ tăng. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, giá ổn định. Vận tải nội tỉnh cơ bản hoạt động bình thường. Đã có hơn 3,3 nghìn công trình xây dựng được thi công trở lại; công nhân phấn khởi, yên tâm làm việc.
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ tỉnh khẳng định, việc khôi phục sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được kết quả cao, trong đó một phần nhờ mỗi địa phương có cách làm hay, sáng tạo. Vì thế, tới đây, tỉnh sẽ kiện toàn, thành lập mới BCĐ hỗ trợ sản xuất thay vì khôi phục sản xuất như trước đây.
Trong đó, sẽ hỗ trợ DN các vấn đề chính như: Tuyển dụng lao động; thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; bảo đảm giao thông an toàn, công nhân, nhà trọ an toàn; lưu thông hàng hóa thuận lợi; đặc biệt chú trọng tiêm phòng, xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ quản lý, công nhân của DN.
Bài, ảnh: Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)