Kinh phí khuyến công: Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP
BẮC GIANG - Bắc Giang có nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và chất lượng. Thời gian qua, tỉnh ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công để hỗ trợ những cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được bình chọn, nhất là sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Giảm chi phí, tăng thu nhập
Hợp tác xã (HTX) Hằng Anh, thôn Vàng, xã Hương Vĩ (Yên Thế) thành lập năm 2018, chuyên sản xuất trà dược liệu dạng túi lọc, gồm 2 sản phẩm chính là trà cà gai leo và trà đinh lăng. Từ năm 2018 đến 2021, HTX sản xuất khoảng 1 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, đơn vị phải vận chuyển nguyên liệu lên TP Thái Nguyên để thuê gia công đóng gói, chi phí cho mỗi kg trà nguyên liệu hết 160 nghìn đồng. Điều này khiến giá sản phẩm bị đội lên, khó cạnh tranh trên thị trường. Trong lúc khó khăn, cuối năm 2021, HTX được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng (tương ứng với 50% tổng giá trị máy) mua 1 máy đóng gói trà túi lọc, công suất đóng gói từ 20-40 túi trà/phút.
![]() |
Anh Phan Tuấn Anh, Phó Giám đốc HTX Hằng Anh bên máy đóng gói trà túi lọc. |
Anh Phan Tuấn Anh, Phó Giám đốc HTX chia sẻ, nhờ có máy đóng gói trà tự động, lượng sản phẩm của HTX tăng gấp 3 lần so với trước, giá thành giảm vì không phải thuê gia công nên tiêu thụ thuận lợi. “Do chủ động máy móc sản xuất, sản phẩm trà túi lọc dược liệu cà gai leo và trà đinh lăng của chúng tôi luôn bảo đảm chất lượng, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, vì thế lượng hàng hóa tiêu thụ ngày càng tăng. Chúng tôi thuê thêm 5 công nhân mới sản xuất kịp các đơn hàng”, anh Phan Tuấn Anh nói. Từ hiệu quả hỗ trợ, cuối năm 2022, HTX Hằng Anh đầu tư thêm 2 máy đóng gói trà túi lọc và cà phê. Ngoài tự sản xuất, đơn vị còn nhận gia công cho các cơ sở sản xuất trà, cà phê khác.
Tháng 8/2024, HTX Nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo Hùng Uyên (HTX Hùng Uyên), xã Tư Mại (Yên Dũng) được Trung tâm KC&XTTM tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng đầu tư 1 máy sấy thăng hoa do Việt Nam sản xuất. Máy có công suất sấy 50 kg nấm tươi/mẻ/37 giờ, đạt 8 kg khô nhưng chỉ tiêu tốn khoảng 500 nghìn đồng tiền điện/mẻ sấy.
![]() |
Cán bộ Trung tâm KC&XTTM tỉnh thăm HTX Hùng Uyên. |
Theo bà Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc HTX, nấm đông trùng hạ thảo khô có giá 8 triệu đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi kg thành phẩm cho lãi khoảng 3,2 triệu đồng. Tuy nhiên, trước khi được hỗ trợ máy sấy, HTX phải mang nấm tươi lên huyện Lạng Giang sấy thuê. Chi phí cho mỗi mẻ sấy (bao gồm cả công vận chuyển) tốn vài triệu đồng. Hiện tại, mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 30 kg nấm khô, nhờ được hỗ trợ máy sấy nên tiết kiệm hơn 22 triệu đồng/tháng.
Từng bước hình thành chuỗi cung ứng khép kín
Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có 334 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực hỗ trợ nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm OCOP thông qua hoạt động khuyến công như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ thiết kế và in ấn thử nghiệm nhãn mác, bao bì đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có 334 sản phẩm OCOP. Từ nguồn kinh phí khuyến công, Trung tâm KC&XTTM tỉnh đã hỗ trợ cho chủ thể của 115 sản phẩm OCOP (bao gồm cả máy móc sản xuất và thiết kế, in tem nhãn bao bì). |
Trong tổng số 334 sản phẩm OCOP, từ nguồn kinh phí khuyến công, Trung tâm đã hỗ trợ cho chủ thể của 115 sản phẩm OCOP (bao gồm cả máy móc sản xuất và thiết kế, in tem nhãn bao bì). Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất cho 14 HTX, 5 doanh nghiệp với 24 sản phẩm OCOP, tổng kinh phí hỗ trợ 3,2 tỷ đồng.
Hoạt động hỗ trợ tập trung vào phát triển những sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống như: Mỳ gạo, vải thiều, cam, bưởi, nấm, rượu, mật ong, sâm Nam núi Dành… Qua đó động viên, khuyến khích các chủ thể sản phẩm OCOP mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng về đất đai và các nông sản truyền thống của địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là khu vực nông thôn và miền núi. Nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công đã từng bước giúp các doanh nghiệp và HTX gia tăng quy mô sản xuất, cải thiện mô hình tổ chức quản lý, không ngừng cải tiến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm KC&XTTM tỉnh cho biết, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đơn vị sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP xây dựng nhiều kênh tiêu thụ; kết nối cung cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối trong và ngoài nước; hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống bán lẻ, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Ý kiến bạn đọc (0)