Kinh nghiệm xử lý vi phạm về đất đai của Quang Châu: Rà kỹ, xử nghiêm
Rà soát phân loại chính xác
Thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, UBND xã Quang Châu đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Khó khăn trong xử lý các vi phạm theo Chỉ thị 19 tại Quang Châu là một số hộ vi phạm đã xây dựng nhà cho công nhân thuê trọ, trong đó có hộ đầu tư xây dựng hơn chục phòng trọ với số tiền hàng trăm triệu đồng.
![]() |
Hộ ông Vũ Xuân Hồng tháo dỡ 8 phòng trọ xây dựng trên đất nông nghiệp. |
Vì thế, để bảo đảm khách quan, công bằng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã huy động cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện Chỉ thị 19.
Trước hết là chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với ban quản lý 8 thôn trên địa bàn tập trung rà soát, thống kê, phân loại, lập biên bản chính xác từng trường hợp vi phạm về đất đai theo thời gian, mức độ cụ thể. Kết quả, toàn xã có 65 hộ có hành vi vi phạm về đất đai theo Chỉ thị 19 (61 trường hợp vi phạm từ năm 2014 đến trước ngày Chỉ thị 19 được ban hành, 4 trường hợp vi phạm sau khi Chỉ thị 19 ban hành).
Tổng diện tích đất vi phạm hơn 19.000 m2. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Lấn chiếm sử dụng đất khu vực công cộng (chủ yếu là đất nghĩa địa cũ) xây dựng công trình để ở, cho thuê, bán hàng, xây tường bao, chuồng trại chăn nuôi, hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định...
Trên cơ sở đó, xã tổ chức thông báo công khai các vi phạm để các gia đình, cá nhân liên quan cũng như các hộ dân trong thôn biết để cùng tham gia giám sát, có ý kiến, không để sót lọt vi phạm. Trường hợp nào còn ý kiến, chưa đồng thuận thì xác minh, rà soát lại.
Sau khi xác định cụ thể từng trường hợp vi phạm, xã bố trí cán bộ chuyên môn phối hợp với ban quản lý, đoàn thể các thôn đến từng hộ gặp gỡ, giải thích quy định, chủ trương chính sách của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, chỉ rõ lỗi vi phạm. Phương châm tuyên truyền, vận động là kiên trì “mưa dầm thấm lâu”, đến một lần hộ chưa hiểu, chưa nghe thì đến nhiều lần.
Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng thôn Quang Biểu - nơi có đến 12 trường hợp vi phạm phải xử lý thông tin: “Sau khi được thông tin, giải thích, phần lớn các hộ vi phạm đều nhận thức được việc làm sai. Tuy nhiên, cũng có gia đình ban đầu nhất quyết không hợp tác, chúng tôi phải tới nhà gặp gỡ, động viên đến 5 lần mới xuôi”.
Xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm trước
Ông Nguyễn Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Châu cho biết: “Xác định để xảy ra vi phạm đất đai trên địa bàn là lỗi của chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý. Vì thế, thực hiện Chỉ thị 19, Đảng uỷ, UBND xã xác định dù khó khăn đến mấy cũng phải tập trung giải quyết, khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm để răn đe riêng và phòng ngừa chung, không để tái diễn tình trạng vi phạm về đất đai trên địa bàn”.
Theo đó, nội dung thực hiện Chỉ thị 19 được Đảng uỷ, UBND xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đưa ra kiểm điểm thường xuyên, hàng tuần. Từng trường hợp, vướng mắc cụ thể đều được bàn bạc công khai để có cách thức giải quyết, xử lý phù hợp.
![]() Qua kiểm tra cho thấy, đến thời điểm này, xã Quang Châu (Việt Yên) là một trong ba xã trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai theo Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 11/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ". Ông Lương Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. |
Quá trình tuyên truyền, vận động, ngoài cán bộ, hội viên, huy động thêm cả người có uy tín trong khu dân cư tham gia.
Quan điểm của xã là vận động, xử lý trước đối với trường hợp vi phạm là cán bộ, họ hàng, người thân của cán bộ thôn, xã để làm gương.
Đối với các trường hợp tuyên truyền, vận động nhiều lần vẫn cố tình không tự tháo dỡ thì kiên quyết cưỡng chế theo quy định.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thôn tới xã trên địa bàn, việc xử lý vi phạm theo Chỉ thị 19 tại xã Quang Châu đạt kết quả tích cực. Một số hộ sau khi được tuyên truyền, vận động đã tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trị giá hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể như hộ ông Nguyễn Văn Sang, đảng viên thôn Núi Hiểu tự tháo dỡ 14 phòng trọ; hộ ông Vũ Xuân Hồng, thôn Tam Tầng tự nguyện tháo dỡ 8 phòng trọ xây dựng trên đất nông nghiệp.
Ông Hồng - người từng có thời gian làm việc tại UBND xã Quang Châu chia sẻ: “Tôi mua đất của người khác, xây dựng phòng trọ cho thuê hơn 2 năm nay. Trung bình mỗi phòng đầu tư 50-60 triệu đồng. Xây xong thì dịch Covid-19, ít công nhân thuê trọ, chưa thu lại được bao nhiêu vốn, phải phá dỡ xót của lắm. Nhưng không tháo dỡ, mấy cô chú cán bộ ở thôn, xã cứ đến nhà vận động cũng ngại”.
Thấy ông Hồng và một số hộ nhiều phòng trọ tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trên đất vi phạm, các hộ còn lại cơ bản chấp hành theo. Có hộ không bố trí được nhân lực, được địa phương hỗ trợ máy móc, phương tiện, nhân công tháo dỡ giúp. Một vài hộ không tự nguyện tháo dỡ, sau khi nhận quyết định cưỡng chế cũng đề nghị được tự dỡ.
Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp, đến thời điểm này, xã Quang Châu đã xử lý được 61 trường hợp vi phạm, trong đó có 1 trường hợp phải tổ chức cưỡng chế tháo dỡ (hiện đã cưỡng chế xong); 1 trường hợp đã có kế hoạch, quyết định cưỡng chế, còn lại 3 trường hợp vi phạm có vướng mắc (mua đất trái thẩm quyền từ hơn chục năm trước), xã đang kiến nghị huyện xem xét để có hướng giải quyết thấu tình đạt lý.
Bài, ảnh: Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)