Kiên quyết nói không với xe quá tải, quá khổ
Thứ 4: 01:20 ngày 18/06/2014
(BGĐT)- Đó là thông điệp liên tiếp được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đưa ra trong vòng chưa đầy một tháng qua. Đây là chủ trương đúng đắn, nhưng phải có quyết tâm cao, làm quyết liệt thì mới thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
1. Còn nhớ, cách đây hơn chục ngày, tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiêu thụ vải thiều năm 2014 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức, một trong những vấn đề "nóng” được các đại biểu đưa ra không phải lo lắng về giá cả vải thiều mà lại là chuyện xe quá tải, quá khổ. Đại diện Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều huyện Lục Ngạn cũng như một vài doanh nghiệp vận tải, dịch vụ trong vấn đề này băn khoăn, nếu không "linh động” cho xe quá tải, quá khổ chở vải thiều, đá cây, thùng xốp lưu thông trên địa bàn tỉnh thì gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, sản xuất đá cây, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải thiều. Cũng vẫn theo các đại biểu này thì, hầu hết xe vận chuyển đá cây, thùng xốp là quá tải hoặc quá khổ (!?)
Những kiến nghị trên ngay lập tức được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh giải thích và bác bỏ bởi tính không hợp lý cũng như trái với quy định mà Nhà nước vừa ban hành trong việc xử lý xe ô tô quá tải, quá khổ. Dẫu biết rằng, tìm cách tiêu thụ vải thiều được thuận lợi đang là nhiệm vụ quan trọng với các cấp, ngành của Bắc Giang lúc này. Nhưng không thể vì cái lợi trước mắt mà phải đánh đổi lợi ích lâu dài, nhất là lại vi phạm luật pháp, kỷ cương phép nước không nghiêm.
2. Mấy năm gần đây, nhờ quả vải có giá nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở huyện miền núi Lục Ngạn nói riêng, các huyện có diện tích vải thiều lớn, như Yên Thế, Lục Nam của tỉnh Bắc Giang nói chung đã được cải thiện rõ rệt. Không ít gia đình, cứ sau mỗi mùa thu hoạch vải thiều lại kiếm được hàng chục, thậm chí trên trăm triệu đồng. Cũng nhờ cây vải, nhiều làng quê trước đây nghèo xơ xác thì nay đã khấm khá lên.
Thế nhưng, cũng sau mỗi mùa thu hoạch vải thiều, nhiều con đường ở "Vương quốc vải thiều Lục Ngạn” và các vùng tập trung vải thiều khác của tỉnh Bắc Giang lại xiêu vẹo, bong tróc, lồi lõm nhiều hơn. Thủ phạm gây ra tình cảnh này phần chính là những xe ô tô chở vải thiều, đá cây quá tải ngày đêm lăn bánh trên đường. Nhiều người để ý còn đúc kết, hễ chỗ nào có xe lớn đến "bốc” vải thiều thì y rằng đường sá chỗ đó bị hỏng. Nước từ đá cây chảy ra, đọng thành vũng trên đường, cộng với trọng lượng lớn của xe hàng thì làm gì không cày phá mặt đường? Nếu tính chi phí cho làm mới hay sửa chữa những con đường hư hại này, có lẽ số tiền sẽ lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
3. Ngày 17- 6, tại Hội nghị tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác kiểm soát xe quá khổ, quá tải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải cũng chỉ đạo kiên quyết xử lý cả lái xe lẫn chủ xe vi phạm lỗi này. Các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm triển khai, xử lý vi phạm, trong đó trách nhiệm chính là người đứng đầu. Lực lượng công an kiên quyết xử lý dứt điểm các đối tượng "cò” dẫn xe vượt trạm cân; những phương tiện cố tình không chấp hành lệnh dừng xe cần ghi rõ biển số, xác định lái xe, chủ xe để xử lý thích đáng…
Có thể nói, đây là thông điệp thứ hai mà lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã đưa ra trong thời gian chưa đầy một tháng, với quyết tâm nói không với xe quá tải, quá khổ. Chẳng thế mà, trong vòng gần một tháng (từ 15-5 đến 10-6), toàn tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản, xử lý hơn 900 phương tiện vi phạm lỗi quá khổ, quá tải, xử phạt hơn 3,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh xử lý 349 trường hợp, xử phạt 1,56 tỷ đồng.
4. Kiểm soát trọng tải xe là chủ trương lớn, là nhiệm vụ lâu dài và phức tạp. Bởi vậy, công tác này không thể làm theo kiểu phong trào hay hoạt động theo kiểu hành chính mà phải tiến hành liên tục, thường xuyên, kiên quyết. Muốn vậy thì cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, ngành chức năng đòi hỏi nhịp nhàng, ăn khớp, không để kẽ hở cho các xe vi phạm tìm cách "lách”. Song song với xử lý triệt để xe vi phạm thì cũng xử lý nghiêm tổ chức, cán bộ thực thi nhiệm vụ không làm hết trách nhiệm của mình, nhất là cán bộ có ý thông đồng, bao che, "bảo kê" cho những vi phạm trên. Để rồi, mỗi còn đường sẽ có tuổi thọ dài hơn, ngân sách Nhà nước, địa phương đỡ tốn kém hơn…
Đỗ Thành Nam
Chủ đề:
Ý kiến bạn đọc (0)