Không chỉ là độ dài ngắn của văn bản
Thứ 2: 13:31 ngày 23/06/2014
(BGĐT) - -Lâu nay, tại nhiều cuộc họp cấp ủy có nhiều ý kiến nêu việc cụ thể hóa chương trình, kế hoạch của cấp trên vẫn là khâu khó. Song không phải khó mà không có cách giải quyết - Vừa gặp, đồng chí bí thư đảng ủy một doanh nghiệp vội phân trần. Nghe vậy, tôi hỏi lý do, anh giải thích:
- Thì cũng phải mày mò, nghiên cứu từ thực tiễn. Khoảng ba năm trước, do doanh nghiệp mới thành lập đảng bộ cộng với biểu hiện "hành chính hóa công tác Đảng”, khi nhận được văn bản của cấp trên, đồng chí phụ trách văn phòng cấp ủy chỉ việc sao in cho mỗi chi bộ một bản, lưu ở văn phòng một bản rồi thôi.
Do đảng ủy không có văn bản chỉ đạo, định hướng nên khi nhận được văn bản của cấp trên gửi về, thấy quá dài, nội dung lại chung chung nên các chi bộ "lưu” luôn vào tủ tài liệu. Điều này dẫn đến chỉ đạo của cấp trên không được thực hiện mà còn gián tiếp tạo cho cấp dưới kiểu làm việc đơn giản, chiếu lệ. Để khắc phục, chúng tôi bàn, thống nhất, thay vì giao đồng chí phụ trách văn phòng đảng ủy xử lý văn bản của cấp trên, việc này do đích thân đồng chí bí thư phụ trách.
Khi xử lý văn bản, bí thư phân công rõ bộ phận, cá nhân có trách nhiệm cụ thể hóa theo hướng ngắn gọn, chỉ chọn một vài nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt độ dài văn bản không quá 3 trang. Làm theo cách trên, công tác đảng chuyển hẳn, hiện tượng "hành chính hóa” giảm, trách nhiệm của từng cấp ủy viên nâng lên.
- Như vậy là việc "cụ thể hóa” các chương trình, kế hoạch của cấp trên trước hết là từ khâu xử lý và quy định độ dài ngắn của văn bản. Tuy nhiên văn bản ngắn quá lại không chuyển tải hết nội dung chỉ đạo của cấp trên (?).
- Cái chính là chỉ khi yêu cầu văn bản phải thật ngắn gọn, rõ việc thì bộ phận tham mưu mới quan tâm nghiên cứu, rà soát từ đó xác định trong rất nhiều nhiệm vụ, nhiệm vụ nào là trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đồng thời cấp dưới cũng hình dung rõ việc hơn để thực hiện. Cách làm này cũng buộc cán bộ phải tư duy, kiểm tra, nắm cơ sở nhiều hơn.
Vả lại, do đặc thù cán bộ làm công tác đảng ở doanh nghiệp đều kiêm nhiệm, nếu cấp trên chỉ đạo không có trọng tâm, cấp dưới lại làm chiếu lệ, đối phó thì các chương trình, kế hoạch triển khai xuống không những không được thực hiện mà còn ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, uy tín của Đảng.
- Như vậy là khâu cụ thể hóa chủ trương, biện pháp chỉ đạo của cấp trên không khó nếu như mỗi cấp ủy nắm chắc tình hình thực tiễn; khi thực thi nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cơ sở. Bằng không, chừng nào cấp ủy cơ sở chỉ là nơi tiếp nhận văn bản rồi sao gửi cấp dưới thì việc "cụ thể hóa” sẽ mãi là khâu khó.
Lê Minh
Chủ đề:
Ý kiến bạn đọc (0)