Khi nông dân livestream bán vải thiều
Từ trước đến nay cư dân mạng vốn quen với những diễn viên, người mẫu, nam thanh nữ tú bán hàng trực tuyến thì lần này bất ngờ, thích thú khi thấy nông dân Lục Ngạn đích thực “lên sóng”.
Đó là buổi livestream 40 phút của gia đình chị Đỗ Thị Vân, thu hút khoảng 20 nghìn người xem. Đại diện các hộ trồng vải trong hợp tác xã, chị Vân giải thích quy trình trồng vải, hướng dẫn cách nhận diện vải thiều, đồng thời kêu gọi đặt hàng trực tuyến hỗ trợ nông dân. Kết quả đã có 8 tấn vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ, điều này lại khiến người trồng vải hết sức bất ngờ.
Buổi livestream trên do sàn thương mại điện tử Sendo phối hợp cùng Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) hợp tác tổ chức theo chương trình "Chung tay ủng hộ vải Lục Ngạn, Bắc Giang", đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang.
Được biết, Tỉnh đoàn đã cắt cử cán bộ đoàn các cấp thường xuyên bám sát, hỗ trợ nông dân trong khâu thu hoạch, đóng gói, hướng dẫn cách thức thao tác trên các kênh bán hàng trực tuyến cho đến khi người dân sử dụng thành thục.
Trên thực tế, thương mại điện tử đã phát triển sôi động với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nhưng với nông sản nói chung và vải thiều nói riêng còn mới mẻ. Do vậy, chương trình hỗ trợ nông dân livestream bán vải thiều không chỉ là hoạt động thiết thực hỗ trợ tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tránh ùn ứ vải thiều mà còn góp phần thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Tư duy kinh tế nông nghiệp chính là tư duy thị trường đáp ứng được bài toán tiêu thụ nông sản. Đó là làm ra sản phẩm thị trường cần chứ không phải cái mình có, làm thế nào để sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm làm ra bán ở đâu, bán cho ai, làm thế nào để dễ bán, tạo được niềm tin với khách hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Khi livestream bán vải thiều tức là người nông dân đã mạnh dạn với tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại, tương tác với khách hàng ở mọi nơi, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua đó, người nông dân thực hiện đúng vai trò là trung tâm trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân. Ý nghĩa khi nông dân livestream bán vải thiều là như vậy.
“Vạn sự khởi đầu nan”, để kênh tiêu thụ nông sản này tiếp tục vươn xa, rất mong các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, nhất là đoàn thanh niên xung kích trong chuyển đổi số tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân tiếp cận các sàn thương mại điện tử ngày càng hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc (0)