Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư
![]() |
Các đại biểu tham dự diễn đàn tại điểm cầu Bắc Giang. |
Đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chủ trì điểm cầu Hà Nội. Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có đại diện các cơ quan thuộc các Bộ, ngành T.Ư, của tỉnh và một số doanh nhân kiều bào Việt Nam.
Diễn đàn nhằm thu hút đầu tư và kết nối thương mại giữa doanh nghiệp (DN) kiều bào, đặc biệt là kiều bào Việt Nam tại Thái Lan với các địa phương, DN trong nước. Diễn đàn chia làm 2 phiên: Xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư. Nội dung thúc đẩy các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư, đưa hàng hoá, sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng sang thị trường Thái Lan thông qua mạng lưới DN kiều bào tại Thái Lan.
Diễn đàn đã nhận được nhiều tham luận, gợi mở, câu hỏi, giải đáp xoay quanh nội dung giới thiệu về tiềm lực của các DN kiều bào tại Thái Lan; chính sách khuyến khích thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và một số định hướng cho DN kiều bào. Một số doanh nhân Việt kiều mong muốn có nhiều thông tin hơn về chính sách xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ phía Việt Nam.
Tại đây, đồng chí Phan Thế Tuấn giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế của Bắc Giang. Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 của Bắc Giang vẫn đạt hơn 31 tỷ USD (đứng thứ 8 cả nước); tốc độ tăng trưởng 7,82%; thu hút đầu tư FDI duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; là điểm đến hấp dẫn đầu tư.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 dự án của đối tác đến từ Thái Lan là Siêu thị GO! Bắc Giang, tổng vốn đầu tư 3,35 triệu USD. Bắc Giang đang xuất khẩu sang Thái Lan các sản phẩm chính như: Linh kiện điện tử, tấm module năng lượng mặt trời, vòng đệm ống phanh dầu bằng cao su lưu hóa, vải thiều… Đồng thời nhập khẩu các sản phẩm chính như: Linh kiện điện tử, tấm pin, khớp nối ống dẫn dầu cao su… Tuy nhiên, sản lượng và giá trị thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang.
Đồng chí khẳng định, dư địa hợp tác, xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm nông sản của Bắc Giang sang thị trường Thái Lan rất lớn. Đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Hội doanh nhân Việt Nam Toàn Thái, các doanh nhân kiều bào tại Thái Lan, các DN, đối tác Thái Lan quan tâm, hỗ trợ, kết nối, giúp đỡ tỉnh Bắc Giang tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, phát triển, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu vải thiều và các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Thái Lan.
![]() |
Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại diễn đàn. |
Giới thiệu, mời gọi và kết nối các doanh nhân kiều bào Thái Lan và các DN, tập đoàn bán lẻ, thương nhân nhập khẩu nông sản của Thái Lan đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua, nhập khẩu trái vải tươi, các sản phẩm chế biến từ trái vải; hợp tác đầu tư, kinh doanh, quảng bá tiềm năng lợi thế, chính sách ưu tiên thu hút hợp tác đầu tư, phát triển thương mại; hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thông tin về thị trường, chính sách nhập khẩu, các yêu cầu, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của Thái Lan…
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Hiệu đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu từ kinh nghiệm thực tế trong công tác thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại, góp phần làm cơ sở để các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hơn các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Làm cơ sở để Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.
Đồng chí cho rằng, năm 2022 kinh tế Việt Nam và các nước tiếp tục tăng trưởng bởi dịch bệnh đã được kiểm soát. Đề nghị các DN kiều bào tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm trong nước, đồng thời về Việt Nam đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho Việt Nam.
Đồng chí hy vọng trong thời gian tới, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục phát huy vai trò làm cầu nối giúp các DN trong nước xâm nhập thị trường nước ngoài. Đồng chí kêu gọi các DN Việt kiều tiếp tục đầu tư về Việt Nam, tạo công ăn, việc làm cho người lao động trong nước, đào tạo nghề, phát triển KT-XH cho các địa phương, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Mong các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng môi trường thuận lợi, thân thiện hơn nữa để bà con Việt kiều về quê đầu tư, đưa các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở nước ngoài áp dụng tại Việt Nam.
Tin, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)