Huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Cùng đi có đại diện lãnh đạo các cục, vụ của một số bộ, ban, ngành T.Ư.
Về phía tỉnh Bắc Giang, tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ và một số sở, ban, ngành tỉnh.
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc.
|
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 19, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người lao động, học sinh, sinh viên đã chuyển biến tích cực. Các loại hình dạy nghề phát triển đa dạng; dạy nghề cho LĐNT ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của thị trường lao động và nhu cầu của người học. Tổng số tuyển sinh và đào tạo cho LĐNT (gồm thanh niên nông thôn và nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp) giai đoạn 2011 - 2020 là hơn 321,2 nghìn người; trong đó có gần 55 nghìn người được hỗ trợ đào tạo theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT.
Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33,5% năm 2010 lên 72% năm 2021. Sau đào tạo, có 86,7% lao động có việc làm, hoặc tiếp tục làm việc cũ nhưng có thu nhập cao hơn. Đồng thời, đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo từng giai đoạn. Đến hết năm 2021, tỉnh Bắc Giang có 6 huyện, 138 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 146 thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
![]() |
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu tại buổi làm việc.
|
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh được rà soát, sắp xếp ngày càng tinh gọn, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho LĐNT. Đến nay, toàn tỉnh có 36 cơ sở GDNN. Việc kiện toàn tổ chức, nhân sự thực hiện dạy nghề được bảo đảm từ tỉnh đến xã. Toàn tỉnh hiện có 880 giáo viên GDNN, 100% đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn theo quy định. Công tác tư vấn, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề; đổi mới chương trình dạy; xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo cho LĐNT được quan tâm triển khai, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.
Qua khảo sát thực tế tại huyện Yên Dũng và Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn, các thành viên trong đoàn đánh giá hiệu quả và những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chỉ thị 19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Công tác tuyên truyền, tư vấn, chọn nghề, tìm và tự tạo việc làm sau đào tạo chưa thực sự sâu rộng; việc đăng ký học nghề còn mang tính phong trào, chưa thực chất, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp thiếu bền vững; chưa phát triển được nhiều nghề dịch vụ (thủ công mỹ nghệ, nấu ăn, lễ tân, nghiệp vụ du lịch...). Nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN còn hạn chế nên thiết bị dạy nghề chưa hiện đại.
![]() |
Đồng chí Lê Tấn Dũng và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khảo sát thực tế tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt -Hàn.
|
Đại diện lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, trong đánh giá hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho LĐNT thì cần làm rõ hơn nữa về vai trò của Ủy ban MTTQ, hội, đoàn thể các cấp. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai đề án đào tạo nghề theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề. Đây là chủ trương quan trọng, phù hợp với xu thế phát triển của thị trường lao động. Vì vậy, trên cơ sở phân tích sâu, kỹ, cụ thể về kết quả của hoạt động này, tỉnh sẽ thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế để có giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo ở giai đoạn tới, hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo việc làm ổn định cho người học.
Đồng chí Phan Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo T.Ư) và một số thành viên đoàn công tác khẳng định vai trò của công tác đào tạo nghề trong nâng cao thu nhập cho LĐNT. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa có đánh giá cụ thể hiệu quả của công tác này với một số nhóm đối tượng đặc thù như: Lao động nữ, người khuyết tật có khả năng lao động, lao động vùng bị thu hồi đất, vùng dân tộc thiểu số...
Cùng đó, công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp THCS tuy kết quả đạt mục tiêu đề ra song sau đào tạo, tỷ lệ lao động có việc làm chủ yếu ở trình độ sơ cấp, đào tạo ngắn hạn, chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Với lực lượng nông dân trực tiếp sản xuất, dù số lượng được học nghề lớn nhưng việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại vào quá trình đào tạo chưa được quan tâm, giá trị kinh tế các mô hình nông nghiệp còn hạn chế.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Thu Hồng khẳng định, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang luôn xác định công tác đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm triển khai. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho lao động, phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần ổn định an ninh trật tự địa bàn.
Tuy nhiên, trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chỉ thị 19, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh một số giải pháp tỉnh triển khai trong thời gian tới. Trong đó, hằng năm tập trung khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT sát với tình hình thực tế, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng bị thu hồi đất; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, từng bước tiếp cận tiêu chuẩn đào tạo nghề chất lượng cao. Nghiên cứu để ban hành cơ chế cụ thể trong liên kết với doanh nghiệp khi tham gia vào đào tạo; chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn và giải quyết việc làm cho lao động nữ trung niên và lao động ở vùng thu hồi đất.
![]() |
Đồng chí Lê Tấn Dũng phát biểu kết luận.
|
Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Tấn Dũng đánh giá cao công tác quán triệt, tổ chức triển khai và kết quả tích cực trong thực hiện Chỉ thị 19 trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT, đồng chí đề nghị tỉnh Bắc Giang quan tâm hơn nữa đến việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho LĐNT, nhất là lực lượng thanh niên. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động chọn nghề phù hợp, có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo; gắn đào tạo nghề với xác định vị trí việc làm phù hợp dựa trên việc phát triển các mô hình liên kết đào tạo với doanh nghiệp.
Đặc biệt, trên cơ sở phân tích tình hình, chất lượng đội ngũ nhà giáo, tỉnh Bắc Giang nghiên cứu để xây dựng, ban hành chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, giữ chân lực lượng này, bảo đảm chất lượng đào tạo; quan tâm công tác xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đầu tư, từng bước cải thiện cơ sở vật chất, đồng bộ trang, thiết bị dạy nghề.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)