Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thực hiện Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Các đồng chí: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ Trưởng Bộ Công an chủ trì tại điểm cầu chính.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có các thành viên trong Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh.
Tỉnh Thái Nguyên là địa phương được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm Đề án 06. Được biết, Đề án đặt mục tiêu hết năm 2022 sẽ hoàn thành kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với cổng dịch vụ công quốc gia. Với tài khoản định danh điện tử, công dân có thể thực hiện nhiều dịch vụ công, các giao dịch tài chính một cách gián tiếp. Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện theo từng nhiệm vụ.
Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai 22/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân. Theo đó, từ ngày 18/2 đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh tiếp nhận gần 55 nghìn hồ sơ, giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, chi phí. Điểm nổi bật nhất của tỉnh Thái Nguyên là đã đồng bộ 100% dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vượt chỉ tiêu đề ra.
Qua trao đổi, các địa phương học tập tỉnh Thái Nguyên nhiều cách làm hay. Cụ thể là các cấp, ngành xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đơn vị, chính quyền các cấp; chủ động triển khai các nhiệm vụ; phát huy sức mạnh tổng hợp, tham gia đồng hành chuyển đổi số từ các công ty, doanh nghiệp; quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư nhiều kho dữ liệu thông tin gây tốn kém ngân sách nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu được đại diện một số ngành thông tin về việc ứng dụng các tiện ích trong ngân hàng phục vụ rút tiền mặt qua căn cước công dân và mở tài khoản qua ứng dụng VneID; hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn trong triển khai công văn 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06; một số vấn đề cần lưu ý khi số hóa dữ liệu hộ tịch và đồng bộ dữ liệu này với cơ sở dữ liệu về dân cư; kết quả bước đầu của việc triển khai sổ sức khỏe điện tử; cấp giấy chứng sinh, giấy khám sức khỏe điện tử…
Đối với tỉnh Bắc Giang, hiện toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 46 nghìn hồ sơ dịch vụ công thiết yếu; trong đó hơn 25,5 nghìn hồ sơ trực tuyến, đạt 55,56%. Các thủ tục có tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến cao như xác nhận số chứng minh nhân dân khi được cấp thẻ căn cước công dân; khai báo tạm vắng; thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; cấp phiếu lý lịch tư pháp...Các thủ tục không phát sinh hồ sơ trực tuyến gồm liên thông đăng ký khai tử; xóa đăng ký thường trú; trợ cấp mai táng phí...
Các cấp, ngành trong tỉnh đang khẩn trương số hóa hồ sơ đúng lộ trình; cấp căn cước công dân, định danh điện tử, làm sạch dữ liệu dân cư theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.
Phát biểu kết luận, đồng chí Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc chuyển đổi số khó khăn, vất vả. Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền lợi lâu dài của người dân, các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Công an phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Đồng chí đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục bám sát hướng dẫn thực hiện Đề án, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đúng và vượt lộ trình, chỉ tiêu đã đề ra.
Quan tâm rà soát, nắm bắt những vấn đề, vướng mắc nhỏ nhất như mức thu nộp các khoản phí; thủ tục rườm rà trong việc cấp chữ ký số, phiếu lý lịch tư pháp; liên thông các thủ tục giữa ngành công an, tư pháp và bảo hiểm. Từ đó kịp thời phối hợp, tháo gỡ, tránh để những vướng mắc nhỏ làm ảnh hưởng đến chất lượng, mục đích của cả một Đề án lớn.
Ngành Công an tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai có hiệu quả việc không sử dụng sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/1/2023; hoàn thành việc cấp căn cước công dân có gắn chip. Chỉ đạo quyết liệt việc khai báo cư trú trên phần mềm; đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú phải thực hiện khai báo 100%.
Liên quan đến tiện ích phát triển KT-XH, các địa phương quan tâm triển khai, thực hiện việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip để thay thế thẻ ngân hàng và các thẻ dùng để thanh toán, thực hiện các thủ tục khám, chữa bệnh.
Cùng đó, các đơn vị, địa phương phát huy tối đa vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên; nêu cao tinh thần vì dân phục vụ. Tích cực huy động sự vào cuộc, hỗ trợ về vật chất, kinh phí, kỹ thuật của các doanh nghiệp.
Kết thúc hội nghị, đồng chí Phan Thế Tuấn đề nghị các đơn vị, địa phương trong tỉnh nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn để tỉnh có những hướng dẫn, chỉ đạo, giải pháp cụ thể, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án 06.
Tin, ảnh; Mạc Yến
.
Ý kiến bạn đọc (0)