Hóa giải mâu thuẫn, gắn kết tình làng xóm
Kịp thời giải quyết các vụ việc
Chị Ngô Thị Trang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lai Hòa, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) là cá nhân có kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở. Cách làm của chị là nắm chắc địa bàn để sớm phát hiện các vụ việc. Đối với mỗi trường hợp cần hòa giải, chị tìm hiểu thông tin từ nhiều hướng, phân tích rõ nguyên nhân, có cách tiếp cận phù hợp để người dân bày tỏ, chia sẻ.
![]() |
Cán bộ phụ nữ phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) đến thăm, nắm tình hình hội viên ở tổ dân phố Tiền Môn 1. |
Nắm tâm tư, nguyện vọng của các bên và quy định của pháp luật, chị Trang phối hợp với các thành viên tổ hòa giải đưa ra cách giải quyết hợp lý. Đầu năm 2022, vợ chồng chị N. T. H. thường xuyên cãi vã do mâu thuẫn trong cuộc sống. Chị Trang đã đến nhà chị H khéo léo tâm sự, tìm hiểu nguyên nhân, lựa lời khuyên giải. “Mưa dầm thấm lâu”, anh chị đã có tiếng nói chung, cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế, gia đình hòa thuận.
Huyện Lục Ngạn hiện có hơn 300 hội viên phụ nữ tham gia các tổ hòa giải cơ sở. Ngoài chị Trang còn có nhiều hội viên khác tham gia tích cực vào công tác này như: Chị Nguyễn Thị Hà, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Trần Hưng Đạo (thị trấn Chũ); chị Nguyễn Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Thổ Dương (xã Nam Dương)...
Tại huyện Tân Yên, những năm gần đây, công tác thu hồi đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư tại thị trấn Cao Thượng là một nhiệm vụ trọng tâm, được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn đã giao cho hội viên phụ nữ tích cực tuyên truyền chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng đến người thân, bà con khu phố.
Gần đây, khi phát hiện hai hộ giáp ranh ở tổ dân phố Phố Bùi tranh chấp đất đai, Hội LHPN huyện và thị trấn gặp gỡ các bên liên quan để tìm hiểu nguyên nhân, phân tích trên cơ sở quy định pháp luật và lợi ích của đôi bên. Sau khi được cán bộ tổ hòa giải thuyết phục, hai hộ đã cùng ngồi lại bàn bạc, thống nhất phương án, bàn giao đất cho đơn vị thi công. Những khúc mắc được hóa giải, hiện nay hai hộ trở nên thân thiết.
Theo bà Đỗ Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Yên, tỷ lệ cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia tổ hòa giải ở cơ sở chiếm hơn 30%. Không chỉ tích cực tham gia hòa giải các vụ việc ở thôn xóm, các chị còn vận động hội viên nắm bắt, cung cấp tin báo tố giác tội phạm, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, giữ an ninh trật tự địa bàn.
Hội LHPN các huyện, TP cũng có nhiều cán bộ, hội viên tích cực tham gia tổ hòa giải. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh giải quyết hàng chục đơn thư liên quan đến hội viên, trẻ em và hòa giải thành công 85 vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm.
Nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải
Hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân. Nhiều vụ việc nhờ can thiệp kịp thời bằng biện pháp hòa giải đã ngăn ngừa phát sinh yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, bảo đảm quyền lợi của các bên.
Để trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng, kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, hằng năm, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu pháp luật cho hơn 500 nghìn lượt cán bộ, hội viên.
Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện Việt Yên phối hợp với các đơn vị tổ chức gần 20 cuộc tập huấn, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Muốn làm tốt công tác hòa giải thì hòa giải viên phải là người nắm chắc các quy định pháp luật để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân.
Từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh giải quyết hàng chục đơn thư liên quan đến hội viên, trẻ em và hòa giải thành công 85 vụ mâu thuẫn trong gia đình, làng xóm. |
Vì vậy, chúng tôi thường xuyên nghiên cứu các văn bản quy định của pháp luật để bổ sung kiến thức, tham khảo kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải của những người có uy tín trong cộng đồng. Từ đó nâng cao kỹ năng giao tiếp, khéo léo xử lý các tình huống giúp việc tiếp cận người dân thuận lợi, hòa giải thành công các vụ việc”. Các cấp hội cơ sở trong huyện đã nhận, phối hợp giải quyết 5 tin báo liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tham gia hòa giải thành công 8 vụ việc.
Ở TP Bắc Giang, Hội LHPN TP chỉ đạo các hội cơ sở thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật về đất đai; bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình để phổ biến các điểm mới, nội dung quan trọng tới hội viên. Các cấp hội đã có nhiều sáng tạo trong phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Hội LHPN phường Thọ Xương lồng ghép kiến thức pháp luật vào diễn đàn phụ nữ đồng hành cùng con đến trường; Hội LHPN phường Hoàng Văn Thụ tổ chức trao đổi kinh nghiệm hòa giải giữa các chi hội.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong công tác hòa giải, bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Hội chỉ đạo các cấp hội lựa chọn cách thức tuyên truyền pháp luật đa dạng, phù hợp theo từng đối tượng, địa bàn. Đặc biệt chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, xử lý thông tin, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Chỉ đạo các đơn vị rà soát, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác này".
Cùng với những giải pháp trên, hằng năm, các cấp hội phụ nữ đưa tiêu chí đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chăm sóc, bảo vệ phụ nữ, trẻ em vào chỉ tiêu thi đua; sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời phối hợp với các đoàn thể phát huy hiệu quả vai trò của phụ nữ trong công tác hòa giải cũng như tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội tại cơ sở.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)