Hành trình ươm mầm hạnh phúc
Thành công từ ca đầu tiên
Hằng ngày, Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) tiếp đón nhiều bệnh nhân từ các huyện, TP đến khám, sử dụng dịch vụ. Bước ra từ phòng khám, chị N.T.H (31 tuổi) ở xã Huyền Sơn (Lục Nam) cầm phiếu báo kết quả khám thai định kỳ, nở nụ cười. Chị chia sẻ, bác sĩ cho biết thai phát triển khỏe mạnh, dự kiến chào đời vào những ngày đầu xuân mới. Chị H là sản phụ đầu tiên ở Bắc Giang mang thai nhờ phương pháp IVF tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang. Cảm nhận được sinh linh bé nhỏ đang từng ngày lớn lên, lòng người mẹ trẻ vẫn dâng trào niềm hạnh phúc. Chị kể: “Tôi sinh con đầu cách đây 9 năm, kể từ đó rất khó mang thai tự nhiên do bị tắc vòi trứng”. Giữa năm 2022, được các bác sĩ tư vấn, chị H đăng ký gói dịch vụ hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp IVF.
Nhờ sử dụng trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại tiêu chuẩn quốc tế, các bác sĩ tay nghề cao, nhất là sự hỗ trợ chuyên môn từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi. Hiện các bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bác sĩ chuyên khoa II Đào Xuân Hiền, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho hay: “Chúng tôi và gia đình người bệnh đang chờ đợi từng ngày chào đón em bé đầu tiên sinh ra từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bắc Giang”.
![]() |
Chuyên gia Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang. |
Nỗ lực của người thầy thuốc
Cha mẹ luôn mong muốn sinh con thuận theo tự nhiên khỏe mạnh, tuy nhiên nhiều cặp vợ chồng khó có niềm vui ấy. Theo các bác sĩ, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn trong các cặp vợ chồng chiếm khoảng 7,7% dân số, tỉnh Bắc Giang có khoảng 13,5 nghìn cặp. Trước đây, các trường hợp thường phải lên tuyến trên điều trị. Hành trình chữa trị hiếm muộn, vô sinh đầy gian truân, có khi là hằng tuần, hằng tháng, thậm chí bất kể thời gian nào trong ngày các cặp vợ chồng phải sắp xếp công việc có mặt tại phòng khám, bệnh viện chuyên khoa. Tốn kém về kinh phí, thời gian, công sức đi lại song không phải trường hợp nào cũng đạt kết quả như mong đợi. Từ thực tế đó, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cử kíp bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đi học tập, nâng cao trình độ. Bệnh viện xây dựng đề án, tham mưu với tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại tương đương với các bệnh viện tuyến trung ương, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu điều trị hiếm muộn, vô sinh.
Đến ngày 19/11/2022, Bệnh viện đã hoàn thành việc thụ tinh, nuôi cấy và chuyển phôi cho 18 ca, trong đó 12 ca có thai. Trong lĩnh vực thụ tinh IVF, tỷ lệ đậu thai tới 66,7% là khá cao. |
Trong hành trình ươm mầm hạnh phúc, các bác sĩ chứng kiến bao lo âu, muộn phiền giấu kín ở mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn. Những câu chuyện vui buồn đan xen khi tiếp xúc, tư vấn cho bệnh nhân được các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng Khoa Hỗ trợ sinh sản chia sẻ. Trong các cặp vợ chồng đến viện khám, có người là cán bộ, công chức, kinh doanh; có người là công nhân khu công nghiệp, làm ruộng hoặc lao động tự do. Khát vọng được làm cha mẹ thôi thúc họ tìm mọi cách chữa trị mặc dù chi phí không hề nhỏ (mỗi ca từ 60- 80 triệu đồng). Với các gia đình khó khăn thực sự không hề dễ dàng. Không ít người từng tìm thầy, tìm thuốc nhiều nơi, tiêu tốn tiền của mà chưa có kết quả. Cũng có trường hợp người nhà bệnh nhân đặt vấn đề bệnh viện “bảo hành”, “cam kết” chữa vô sinh thành công song họ đâu hiểu việc can thiệp y tế ngoài yếu tố kỹ thuật còn phụ thuộc rất nhiều vấn đề khác. Ví như nếu nội tiết của người mẹ kháng mang thai; hoặc bệnh nhân có u xơ, nhân xơ... thì tỷ lệ thành công của việc thụ thai sẽ giảm. Vì thế, các bác sĩ khẳng định sẽ làm hết trách nhiệm, nỗ lực cao nhất vì người bệnh.
Chị Đào Thị Thu Hà, điều dưỡng trưởng (Khoa Hỗ trợ sinh sản) cho hay, khi được bệnh nhân trao gửi niềm tin, chúng tôi có thêm động lực để chăm sóc, điều trị, tư vấn sản phụ thực hiện chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để quá trình làm kỹ thuật IVF suôn sẻ và thành công. Ca chọc trứng thu noãn đầu tiên để thụ tinh trong ống nghiệm được ấn định vào ngày 19/5/2022. Những lo lắng đủ bề dồn dập từ tác động của dịch Covid-19, sự kỳ vọng của người bệnh và cũng là mong mỏi của cả kíp kỹ thuật sau một thời gian được đào tạo bài bản tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, đã được thực hành và đến ngày... trả bài. Chỉ trong một tuần, nhiều bác sĩ, điều dưỡng sụt cân vì căng thẳng. Khi ca IVF đầu tiên thành công, cả kíp thở phào và những ngày sau, bệnh nhân kế tiếp trong danh sách đăng ký hỗ trợ sinh sản được lần lượt áp dụng kỹ thuật này.
Hạnh phúc được lan tỏa, sẻ chia
Đến ngày 19/11/2022, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đã thực hiện chọc trứng 24 ca, hoàn thành thụ tinh, nuôi cấy và chuyển phôi cho 18 ca, trong đó 12 ca có thai. Trong lĩnh vực thụ tinh IVF, tỷ lệ đậu thai tới 66,7%. Một số ca khó như sản phụ 37 tuổi ở huyện Tân Yên vô sinh thứ phát do có nhân xơ tử cung to, hai lần bị thai chết lưu, từng điều trị nhiều nơi song thất bại. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ can thiệp và đã thu về 22 noãn, thụ tinh thành công 20 phôi. Các bác sĩ đã chuyển 2 phôi vào tử cung của người mẹ để tiếp tục nuôi dưỡng thai, số phôi còn lại lưu trong bình trữ lạnh âm 196 độ có chứa nitơ lỏng dự phòng khi cần thiết sử dụng cho những lần sau. Đáng mừng là sản phụ đang mang thai hoàn toàn khỏe mạnh, thai phát triển bình thường, người mẹ dự kiến sinh con vào cuối tháng 3/2023.
IVF là phương pháp hiện đại nhất của nền y học thế giới, ứng dụng trong điều trị hiếm muộn, vô sinh. Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: "Để sớm đạt được kỳ vọng triển khai thành công kỹ thuật IVF ngay tại Bắc Giang, Bệnh viện đã tập trung cao thực hiện các bước. Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí hỗ trợ. Từ năm 2021, Bệnh viện cử kíp bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đi đào tạo tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia (Bệnh viện Phụ sản T.Ư). Nhiệm vụ triển khai đúng thời điểm dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, một mặt tập trung cao điều trị sản, nhi tại viện, tham gia công tác phòng, chống dịch của tỉnh, mặt khác bố trí cán bộ tiếp tục đào tạo. Có thời điểm lãnh đạo Bệnh viện cùng kíp thực hiện IVF rất căng thẳng, thậm chí có cán bộ nhiễm Covid-19 vẫn gồng mình làm việc. Với quyết tâm cao của tập thể cán bộ quản lý và nhân viên y tế, Khoa Hỗ trợ sinh sản được xây dựng khang trang, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Quá trình thụ tinh, nuôi cấy phôi diễn ra trong phòng thí nghiệm nên các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí, ánh sáng đều bảo đảm chính xác và vô trùng tuyệt đối. Do bảo đảm tính bảo mật, riêng tư cho các cặp vợ chồng hiếm muộn nên khu vực IVF này chỉ cho phép những cán bộ y tế đặc biệt liên quan kỹ thuật mới được ra vào. Hiện, Bắc Giang là một trong số ít tỉnh triển khai được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Khép lại năm 2022 bằng dấu ấn nổi bật trong phát triển kỹ thuật cao lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đã góp phần nâng cao vị thế của Bệnh viện Sản - Nhi nói riêng và ngành Y tế tỉnh nói chung. “Chúng tôi tin tưởng rằng thành tựu y học tiếp tục phát triển, có nhiều em bé khỏe mạnh hình thành nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được chào đời, mang hạnh phúc đến với các cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận", Thầy thuốc Ưu tú Lê Công Tước nói.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)