Giúp người lao động thuận lợi tìm việc làm
Nhiều cơ hội việc làm
Thông tin từ UBND huyện, Hiệp Hòa có dân số đông nhất tỉnh; mỗi năm có khoảng 5 nghìn người đến tuổi lao động; hơn 2 nghìn HSSV ra trường, có nhu cầu tìm việc làm. Cùng đó, xu hướng chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ khiến nhu cầu tìm việc làm tăng.
![]() |
Quang cảnh ngày hội. |
Những năm gần đây, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với các cơ sở dịch vụ việc làm, giáo dục nghề nghiệp, Huyện đoàn và DN tổ chức tư vấn học nghề tại các trường THPT; khảo sát nhu cầu học nghề trước khi đăng ký ngành nghề đào tạo, bảo đảm tuyển sinh đúng đối tượng và đúng nghề có nhu cầu học.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến các xã, thị trấn giới thiệu, giải quyết việc làm cho người dân. Nhờ đó, mỗi năm, toàn huyện tạo việc làm mới cho khoảng 5 nghìn lao động. Nếu như trước đây, nhiều người dân Hiệp Hòa phải xa quê đi làm trong các khu, cụm công nghiệp ở các tỉnh, TP khác thì nay đã được tạo việc làm tại địa phương. Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Hòa Phú và 10 cụm công nghiệp sử dụng tổng diện tích đất gần 900 ha, hiện có 61 DN đầu tư thu hút hơn 15 nghìn lao động. Tại các xã, thị trấn có gần 1,3 nghìn DN, cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 12 nghìn lao động.
Dù vậy, ở một số xã, thị trấn hiện vẫn còn người dân không có việc làm ổn định hoặc HSSV sau tốt nghiệp chưa có nghề nghiệp. Trong khi đó, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động tay nghề cao vẫn gặp khó khăn.
Theo ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện, Hiệp Hòa tổ chức ngày hội việc làm nhằm đẩy mạnh thông tin thị trường lao động, phổ biến các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, học nghề; tư vấn, giới thiệu, kết nối DN với người lao động; tạo cơ hội việc làm, học nghề cho người dân. Qua đó giúp họ tiếp cận nhanh, dễ dàng với thông tin tuyển dụng của các DN để tìm việc làm ổn định, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
![]() |
Đại diện Công ty TNHH Trường hàng không ACT tư vấn cho học sinh, người lao động về vị trí công việc cần tuyển dụng. |
Qua trao đổi với đại diện các DN tham gia ngày hội được biết, nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng số lượng nhân lực lớn dịp này như: Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, Công ty TNHH Nước giải khát và bao bì thực phẩm VINAKEN, Công ty cổ phần Phát triển nhân lực và xúc tiến thương mại Việt Nam, Công ty cổ phần Sao Vàng Năm Cánh; Công ty TNHH Trường hàng không ACT… Các DN cần tuyển gần 10 nghìn lao động ở các lĩnh vực may mặc, điện tử, ngành hàng không, chế biến thực phẩm, du học và xuất khẩu lao động.
Tại các gian hàng, đại diện DN cung cấp thông tin về số lượng lao động, vị trí cần tuyển dụng; chế độ phúc lợi (mức lương, thưởng, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, nhà ở, phụ cấp thâm niên và các chính sách đãi ngộ khác); tiềm năng, cơ hội cho HSSV đi du học, xuất khẩu lao động. Đồng thời đại diện DN trực tiếp gặp gỡ, tiếp nhận hồ sơ, phỏng vấn sơ tuyển và tuyển dụng chính thức người có nhu cầu tìm việc làm.
Ngoài các ngành nghề truyền thống, năm nay, Công ty TNHH Trường hàng không ACT (Hà Nội) tư vấn, giới thiệu và tuyển hàng nghìn lao động ở các vị trí từ xếp hành lý hàng hóa, kiểm soát vé, lái xe, an ninh, kỹ sư, thợ máy, tiếp viên, phi công… với thu nhập khá, hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Trang bị kỹ năng, tìm nghề phù hợp
Trước đó, phòng chức năng của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chương trình ngày hội để người lao động nắm bắt, tham gia. Vì vậy, mới đầu giờ sáng, nhiều gian hàng đã tấp nập HSSV, người lao động có mặt để tìm hiểu cơ hội việc làm.
![]() |
Đại diện nhà tuyển dụng tư vấn việc làm cho ĐVTN, người lao động. |
Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1998) ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) cho biết: “Tôi đã làm tại DN may ở tỉnh Bình Dương hơn 5 năm, nay muốn xin việc gần nhà để tiện chăm sóc gia đình. Đến ngày hội này, tôi mong muốn tìm được công việc phù hợp với tay nghề, có thu nhập bảo đảm cuộc sống”. Nhiều HSSV sắp tốt nghiệp đến đây mong muốn nắm bắt thông tin về thị trường lao động, từ đó có định hướng lựa chọn nghề nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Viên, Bí thư Đoàn xã Hoàng An cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 30% đoàn viên thanh niên (ĐVTN), học sinh mới ra trường, chưa có việc làm. Đoàn xã đã thông tin cho ĐVTN đến ngày hội để nắm bắt nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng của các DN.
Tại Ngày hội, các DN đã thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho hơn 3 nghìn lao động, HSSV. Kết thúc chương trình đã có hàng trăm người được tuyển dụng hoặc đạt sơ tuyển, được đại diện DN hẹn phỏng vấn tại đơn vị để bố trí công việc phù hợp. |
Tại ngày hội, đại diện các DN, đơn vị tuyển dụng không chỉ cung cấp thông tin về vị trí việc làm, nhu cầu cần tuyển dụng mà còn trực tiếp hướng dẫn HSSV, người lao động các bước hoàn thiện hồ sơ dự tuyển, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn.
Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thực tế, nhiều lao động nộp hồ sơ xin việc vẫn còn thiếu kỹ năng trả lời phỏng vấn dẫn đến mất cơ hội việc làm. Vì vậy, thông qua ngày hội, cán bộ chức năng quan tâm hướng dẫn phương pháp trả lời, tác phong, thái độ khi tham gia phỏng vấn để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các DN, huyện Hiệp Hòa tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giới thiệu, giải quyết việc làm. Ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh, Xã hội huyện cho biết: Để DN tuyển được nguồn nhân lực chất lượng, người lao động tìm được công việc phù hợp, Phòng chú trọng dự báo thị trường lao động; tăng cường liên kết giữa DN với các cơ sở đào tạo nghề nhằm cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao, phù hợp nhu cầu.
Các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên làm tốt công tác giáo dục - đào tạo và định hướng nghề nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng mềm cho học sinh trước khi tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tế.
UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng và các xã, thị trấn tiếp tục quan tâm rà soát, thông tin về nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của người lao động theo định kỳ, có phân loại nhóm tuổi, nhu cầu ngành nghề, làm cơ sở cho công tác tuyển sinh đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đồng thời thực hiện hiệu quả việc tuyển dụng, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Nâng cao tay nghề, tạo thu nhập ổn định Tại Ngày hội, đại diện đơn vị chức năng và doanh nghiệp (DN) thông tin nhu cầu tuyển dụng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần để công tác giải quyết việc làm hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa: Đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng Hằng năm, trung tâm đào tạo hơn 1,5 nghìn học sinh trình độ trung cấp nghề, đồng thời phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các tổ chức đoàn thể dạy nghề ngắn hạn miễn phí cho hàng trăm lao động nông thôn. Các nghề đào tạo gắn với điều kiện thực tế địa phương, nhu cầu người học và DN như cơ khí, may, điện dân dụng… Để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, chương trình giảng dạy của Trung tâm đã được đổi mới theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, chú trọng đào tạo kỹ năng thực tiễn. Nhờ đó, khoảng 90% lao động sau khi tốt nghiệp trình độ nghề trung cấp tìm được việc làm ngay tại các DN trong và ngoài huyện. Lao động sau khi học nghề ngắn hạn cũng thuận lợi xin việc hoặc mạnh dạn tự mở cơ sở sản xuất, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình kinh tế của gia đình, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập. Bà Vũ Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa): Thiếu lao động tay nghề cao Công ty đang vận hành 108 dây chuyền may tạo việc làm cho hơn 7,6 nghìn lao động, chủ yếu là người địa phương với thu nhập bình quân 8,5-9,5 triệu đồng/người/tháng; công nhân lành nghề thu nhập cao hơn. Hiện DN có nhu cầu tuyển thêm khoảng 500 lao động ở nhiều vị trí. Yêu cầu tuyển dụng không khắt khe, độ tuổi đã được “nới” rộng đến 40 tuổi, bảo đảm sức khỏe, tay nghề, có trách nhiệm cao với công việc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Thực tế, thời gian qua, việc tuyển dụng của đơn vị còn khó khăn, nhất là với lao động vững tay nghề, có trình độ, kỹ năng về thiết kế thời trang. Vì vậy, hiện Công ty tuyển cả lao động chưa biết nghề để đào tạo trực tiếp trên dây chuyền sản xuất, đáp ứng yêu cầu công việc. DN tham gia ngày hội nhằm thông tin, giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng của đơn vị, đồng thời tư vấn cho người lao động, học sinh, sinh viên lựa chọn công việc phù hợp. Bảo Hoa |
Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)