Giáo dục vùng cao Lục Ngạn thu hẹp khoảng cách với miền xuôi
Chuyển mình sau sáp nhập
Chúng tôi cùng ông Nguyễn Văn Khuông, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Ngạn có chuyến đi thực tế tìm hiểu về việc dạy và học ở các trường vùng cao. Điểm đến đầu tiên là Trường Tiểu học và THCS Kim Sơn. Trường nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đèo nhưng so với 10 năm về trước Kim Sơn đã thay đổi mạnh mẽ, không còn đường đi gập ghềnh với ổ voi, ổ gà mưa lầy, nắng bụi. Phía sau cánh cổng trường là không gian xanh, sạch, đẹp.
![]() |
Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Kim Sơn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. |
Trường Tiểu học và THCS Kim Sơn là một trong hai cơ sở giáo dục (cùng với Tiểu học và THCS Phong Minh) được thành lập cuối tháng 8/2017 sau khi sáp nhập hai cấp học. Những ngày đầu, giáo viên lo lắng bởi đặc thù, nhiệm vụ giáo dục ở mỗi cấp học khác nhau, trường tiểu học có nhiều điểm lẻ, nằm xa nhau, đường đi qua suối, qua ngầm. Ngoài 3 giáo viên là người địa phương, những thầy cô còn lại nhà đều cách trường hàng chục cây số.
Trước khó khăn ấy, trường được cấp uỷ, chính quyền đặc biệt quan tâm. Bắt đầu là những con đường bê tông đến tận cổng trường chính thôn Đồng Phúc và hai khu lẻ Lập Thành, Đồng Láy. Phòng GD&ĐT huyện cử cán bộ phụ trách hỗ trợ về chuyên môn. Từ nguồn ngân sách huyện đầu tư mỗi khối đều có phòng học trực tuyến; mạng internet được kết nối đến lớp học. Không chỉ dịp hội thi, hội giảng mà việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy được thầy cô triển khai; mỗi giáo viên tự trang bị máy vi tính phục vụ công việc.
"Trước mỗi nhiệm vụ, chúng tôi không cho phép mình nói từ "không thể" mà luôn bàn bạc, huy động trí tuệ tập thể tìm mọi giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ", cô giáo Vũ Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Kim Sơn chia sẻ. Tin vui đến với ngôi trường vùng cao trên đèo khi năm học vừa qua đạt 26 giải học sinh giỏi cấp huyện. Đây là thành tích đáng tự hào, cao nhất trong nhiều năm qua.
Những năm học trước, việc dạy và học ở xã Phong Minh nhiều khó khăn bởi hai trường Tiểu học và THCS quy mô nhỏ (dưới 10 lớp, chưa đến 100 học sinh). Kể từ khi sáp nhập hai trường làm một giúp số lượng giáo viên, học sinh tăng lên, tổ chức các phong trào thi đua thuận lợi. Trường được đầu tư xây dựng 4 phòng học bộ môn, nhà để xe, sửa chữa phòng chức năng, đáp ứng các điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Nhà trường chú trọng xây dựng kế hoạch, phát động thi đua; cán bộ, giáo viên đăng ký nhiệm vụ trọng tâm.
Năm học 2020-2021, 100% giáo viên nhà trường đều có trình độ đạt chuẩn, 42% giáo viên giỏi cấp trường, 30% giáo viên giỏi cấp huyện. Đánh giá của Phòng GD&ĐT sau ba năm học sau sáp nhập, chất lượng giáo dục của trường nhiều khởi sắc. Trong đó bậc tiểu học có 100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; ở bậc THCS, học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt hơn 95%.
Chính sách cho học sinh dân tộc, miền núi
Từ vùng cao, chúng tôi trở lại Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị trấn Chũ) - một trong 10 trường THCS trọng điểm chất lượng cao của tỉnh. Thầy giáo Phạm Hữu Vang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm trước, nhiều học sinh giỏi ở các xã vùng cao không có điều kiện về trường trung tâm thị trấn để học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức.Thực hiện Đề án phát triển trường THCS trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Lục Ngạn đã đầu tư gần 12 tỷ đồng xây nhà bán trú cho Trường THCS Trần Hưng Đạo.
![]() Huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục và Chương trình phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 theo lộ trình Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ưu tiên dành kinh phí từ ngân sách và các nguồn huy động khác nhằm tạo điều kiện để giáo dục vùng cao phát triển bền vững, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi". Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn. |
Công trình gồm dãy nhà 3 tầng với 10 phòng ở, 1 phòng bếp, 1 phòng ăn và 2 khu vệ sinh công cộng, đáp ứng nhu cầu bán trú của 120 học sinh. Câu lạc bộ Doanh nhân Lục Ngạn tại Hà Nội tặng 60 giường (2 tầng), 1 tủ nấu cơm điện, tổng trị giá 120 triệu đồng. Từ năm học 2020-2021, nhà trường có đầy đủ các điều kiện đón học trò giỏi từ các xã vùng cao, lòng hồ về đây học tập.
Các em được miễn chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn ở. Năm học vừa qua, giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo đã bồi dưỡng được 24 học sinh giỏi văn hoá cấp tỉnh; điểm bình quân thi tuyển sinh lớp 10 xếp thứ 2, sau Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang).
Lục Ngạn có gần 60 nghìn học sinh từ mầm non đến THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục và Chương trình phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 theo lộ trình Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ưu tiên kinh phí từ ngân sách và các nguồn huy động khác nhằm tạo điều kiện để giáo dục vùng cao phát triển bền vững, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi".
Chia sẻ khó khăn với học trò vùng cao, những năm qua, địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách miễn giảm chi phí học tập, hỗ trợ bán trú cho học sinh dân tộc, có hộ khẩu tại các thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Dù còn khó khăn song đến nhiều nơi mới thấy cơ sở vật chất trường lớp khang trang, khoảng cách về chất lượng giữa vùng cao với miền xuôi không còn quá lớn.
Điển hình hai tiêu chí về điểm thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 và thi học sinh giỏi cấp tỉnh đều tăng so với năm học trước. Ở bậc THPT, Trường THPT Lục Ngạn số 1 tiếp tục khẳng định bề dày truyền thống xếp trong tốp 5 trường THPT toàn tỉnh.
Những chính sách đầu tư cho giáo dục nơi đây đang phát huy hiệu quả. Và hơn hết là tinh thần nhiệt huyết, cống hiến với sự nghiệp giáo dục của các thầy giáo, cô giáo là sức mạnh truyền niềm đam mê học tập cho học sinh, tạo đà cho chất lượng giáo dục vùng cao phát triển.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)