Giáo dục kỹ năng sống: Thường xuyên thay đổi để thích ứng
Thời gian qua, các liên đội, nhà trường cũng như các cấp, ngành liên quan tích cực vào cuộc phối hợp thực hiện nhiều nội dung, hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống cho thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) tham gia nhóm kỹ năng sống. |
Trung bình mỗi trường học tổ chức từ 4 - 5 chương trình/năm học; một số môn học có lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó chủ yếu là kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; bảo đảm an toàn giao thông. Đây cũng được đánh giá là điểm sáng trong công tác giáo dục, chăm sóc bảo vệ trẻ em trong những năm gần đây.
Tại Trường Tiểu học Tân Dĩnh (Lạng Giang), hoạt động giáo dục kỹ năng sống luôn được Ban Giám hiệu, giáo viên Tổng phụ trách Đội quan tâm thực hiện. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng phụ trách Đội nhà trường cho biết: "Ngoài tổ chức hoạt động tập trung, Liên đội còn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, bộ môn lồng ghép một số kiến thức của những môn học khác. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống được phụ huynh đồng tình ủng hộ, tham gia hỗ trợ".
Tuy nhiên, công tác giáo dục kỹ năng sống cho thiếu niên, nhi đồng vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Vài năm trước, quy tắc “5 ngón tay” vẫn được sử dụng để giảng giải nhằm giúp trẻ em có kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục. Tuy vậy sau khi xảy ra một số vụ việc xâm hại liên quan đến những người thân trong gia đình thì quy tắc này không còn phù hợp. Bởi vậy, thực tế yêu cầu đội ngũ báo cáo viên phải thường xuyên cập nhật thông tin.
Để việc giáo dục kỹ năng sống đạt hiệu quả tốt nhất, gia đình cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với nhà trường và các ngành, đoàn thể nhằm trang bị cho trẻ em kỹ năng cần thiết tự bảo vệ bản thân, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử giúp hình thành nhân cách tốt. |
Theo bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, để giúp trẻ hình thành nhân cách, bồi dưỡng kỹ năng sống cần sự phối hợp giáo dục ở cả môi trường “gia đình, nhà trường và xã hội”. Vì thế, công tác giáo dục kỹ năng sống cho thiếu niên, nhi đồng không nên trông chờ vào nhà trường, xã hội mà ở mỗi gia đình, bố mẹ cần dành thời gian chỉ bảo con cái, phối hợp hiệu quả với các đơn vị liên quan.
Chính phụ huynh cũng cần tự trang bị kiến thức phù hợp với xu hướng hiện đại, cập nhật những kỹ năng mới để có thể trao đổi, chia sẻ với các con. Đặc biệt, người lớn phải tự kiểm soát cảm xúc của bản thân để tránh gây tổn thương con bằng lời nói hay hành động, tránh tư duy "yêu cho roi cho vọt" như trước.
Hầu hết các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ đang được tổ chức trên diện rộng, chỉ dừng lại ở các buổi tập trung đông người, phần thực hành còn ít. Một số phụ huynh vẫn còn đặt nặng chuyện trang bị kiến thức mà chưa chú trọng và quan tâm đúng mức cho việc giáo dục nhân cách, kỹ năng. Cô giáo Nguyễn Vĩnh Hà, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Hương Mai (Việt Yên) cho hay, hiện một số bậc cha mẹ vì bận rộn công việc mà giao phó cho nhà trường hay những lớp, khóa học kỹ năng sống ở các trung tâm. Tuy vậy những lớp học, khóa học kỹ năng sống chỉ mang tính tạm thời, hướng dẫn và gợi mở cho trẻ, bởi sau các khóa học nếu không được tiếp tục rèn luyện, trải nghiệm tại gia đình thì kỹ năng được đào tạo ấy khó mà hình thành.
Có hơn 10 năm kinh nghiệm tham gia, tổ chức các khóa học kỹ năng sống cho trẻ em, anh Nguyễn Ngọc Nam, phụ trách Ban Thanh niên Trường học và Công tác thiếu nhi, Tỉnh đoàn phân tích: “Ở một số hoạt động học sinh tham gia như “Học kỳ quân đội” hay “Trải nghiệm để lớn khôn”, trẻ buộc phải chấp hành kỷ luật, bảo đảm tính tự giác, chủ động và có trách nhiệm với bản thân. Khi trở về môi trường gia đình, trở lại nếp sống thường nhật, gia đình cần phải phối hợp để duy trì thói quen tích cực, làm gương cho con trẻ. Trẻ khó có thể dậy sớm tập thể dục nếu cha mẹ vẫn còn “ngủ nướng” hay không thể hình thành thói quen sống ngăn nắp nếu bố mẹ không hướng dẫn, chỉ bảo thường xuyên”.
Kỹ năng sống không thể hình thành được trong thời gian ngắn mà cần quá trình rèn luyện và sự chỉ bảo, hướng dẫn của cha mẹ, thầy cô. Vì vậy, để việc giáo dục kỹ năng sống đạt hiệu quả tốt nhất, gia đình cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với nhà trường và các ngành, đoàn thể nhằm trang bị cho trẻ em kỹ năng cần thiết tự bảo vệ bản thân, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử giúp hình thành nhân cách tốt.
Ý kiến bạn đọc (0)