Giáo dục giới tính: "Lá chắn" an toàn cho trẻ
Nhiều phụ huynh còn e ngại
Chị Lê Bích Hoan ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có con gái học lớp 4 chia sẻ: "Dịp giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 vừa qua, con được nghỉ học dài ngày nên hai mẹ con bắt đầu trò chuyện về giới tính vì những thắc mắc của cháu khi tình cờ xem phim hoạt hình về cách phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em. Ngoài dành thời gian cùng ngồi xem với con, tôi tranh thủ giải thích thêm về những vùng nhạy cảm trên cơ thể của cả nam và nữ".
![]() |
Một hoạt cảnh tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục trong học đường tại Trường THCS Tam Hiệp (Yên Thế). |
Khác với quan điểm của chị Hoan, hiện nay không phải phụ huynh nào cũng thoải mái và cởi mở trong việc chia sẻ các vấn đề về giới tính với con. Chị Hoàng Thị Miên ở tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) có con trai đang học lớp 8 bày tỏ: "Con tôi phần lớn thời gian là học ở trường và học thêm, còn tôi buôn bán bận rộn, về đến nhà lại lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa nên ít khi tâm sự chuyện giới tính với con. Một phần ngần ngại không biết nói như thế nào. Ở nhà sẵn có máy tính cần tìm hiểu gì cháu vào mạng xem".
Việc giáo dục giới tính không phải ngày một, ngày hai mà kéo dài cả quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, trong đó vai trò của các bậc phụ huynh trong gia đình rất quan trọng. |
Giống như chị Miên, khi được hỏi, nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự quan tâm hoặc còn có tâm lý e dè khi phải đề cập tới những câu hỏi liên quan đến kiến thức về sức khỏe sinh sản.
Đơn cử như khi trẻ tò mò hỏi về các bộ phận khác nhau so với bạn khác giới thì bố mẹ thường lảng tránh hoặc trả lời không đầy đủ, mập mờ... khiến trẻ thiếu kiến thức, phải tự tìm hiểu qua sách, truyện, mạng Internet.
Việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết đối với vấn đề giới tính có thể dẫn đến trẻ không nhận biết được nguy cơ bị xâm hại hoặc mang thai ngoài ý muốn khi bước vào độ tuổi dậy thì. Hậu quả để lại sẽ làm tổn thương nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến nhận thức và sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Cùng phối hợp hành động
Nhận thức rõ vai trò của giáo dục giới tính đối với trẻ vị thành niên, hoạt động này đã được các nhà trường trên địa bàn tỉnh quan tâm thông qua triển khai thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường gồm: Phó hiệu trưởng, giáo viên tổng phụ trách đội, bí thư đoàn trường, giáo viên không làm công tác chủ nhiệm có kiến thức về tâm lý. Mục tiêu nhằm tăng cường giao tiếp giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh để chủ động nắm bắt những biểu hiện, thông tin về nguy cơ mất an toàn trong môi trường học đường. Đồng thời là nơi để học sinh chia sẻ những khúc mắc về tâm sinh lý và được hỗ trợ kịp thời.
Nhà giáo ưu tú Lê Văn Xuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Vôi (Lạng Giang, Bắc Giang) nói: "Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, nhà trường quan tâm rèn luyện kỹ năng sống và ý thức tự bảo vệ mình cho học sinh. Ngoài các tiết dạy kỹ năng sống mỗi tuần 1 tiết cho khối lớp 4 và 5, giáo dục giới tính còn được lồng ghép trong môn học đạo đức. Vào giờ sinh hoạt ngoại khóa của Đội thiếu niên cũng có nội dung liên quan đến những nguy cơ về xâm hại trẻ em để tuyên truyền, cảnh báo cho học sinh".
Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính không phải ngày một, ngày hai mà kéo dài cả quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, trong đó vai trò của các bậc phụ huynh trong gia đình rất quan trọng. Theo bà Nguyễn Thị Hưng, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), việc trang bị kiến thức giới tính cho con nên bắt đầu từ bậc tiểu học hoặc ngay khi trẻ có những câu hỏi, thắc mắc đầu tiên về vấn đề này.
Cha mẹ nên cởi mở, thẳng thắn trong cách trả lời, sử dụng những ngôn từ, cách biểu đạt dễ hiểu để trả lời trẻ thay vì né tránh hay trả lời không rõ ràng, vòng vo. Với những trẻ ở độ tuổi lớn hơn, bên cạnh việc trò chuyện cởi mở, phụ huynh có thể trang bị kiến thức giáo dục giới tính cho trẻ thông qua sách, phim hoạt hình về giới tính có chọn lọc, điều này sẽ giúp con nhận thức được mối nguy hiểm xung quanh, phòng tránh xâm hại.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)