Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Kịp thời xử lý đơn mới, hạn chế tình trạng vượt cấp
Nhiều đơn KNTC vượt cấp
Thời gian qua, tình hình KNTC còn diễn biến phức tạp. Số vụ KNTC đông người hằng năm vẫn có xu hướng tăng (năm 2017 có 23 đoàn, năm 2018 là 30 đoàn và năm 2019 là 40 đoàn). Số công dân gửi đơn vượt cấp còn nhiều, chiếm khoảng 90% số đơn thư đủ điều kiện xử lý.
![]() |
Công dân xã Hoàng Ninh (cũ), nay thuộc thị trấn Nếnh (Việt Yên), phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường với phóng viên Báo Bắc Giang. |
Trong 3 năm (2017-2019), cấp huyện tiếp nhận 5.230 đơn thì chỉ có 545 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết; cấp tỉnh tiếp nhận hơn 2.634 đơn, có 234 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, số còn lại là đơn vượt cấp. Một số vụ việc giải quyết chậm, chất lượng giải quyết còn hạn chế.
Số vụ cấp huyện giải quyết lần đầu bị cải sửa, hủy bỏ và yêu cầu giải quyết lại còn cao. Riêng năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh thụ lý giải quyết 37 vụ khiếu nại lần 2 của công dân (các vụ này chủ tịch UBND huyện, TP đã thụ lý giải quyết lần 1), qua đó hủy và cải sửa 14 vụ. Hủy, cải sửa nhiều là các địa phương: Việt Yên 4/4 vụ, Lục Nam 7/11 vụ, TP Bắc Giang 3/4 vụ.
Theo ông Nguyễn Sơn Hồng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, nguyên nhân tình trạng trên do chính sách trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên… còn bất cập; một số vụ việc xảy ra đã lâu, hồ sơ lưu trữ không đủ; việc triển khai các dự án phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh thu hồi số lượng lớn đất sản xuất tác động đến đời sống một bộ phận người dân. Một số công dân đòi hỏi không đúng quy định, bị đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục khiếu kiện.
Về chủ quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tiếp dân, giải quyết KNTC chưa được một số ngành, địa phương quan tâm thường xuyên; năng lực, trình độ, trách nhiệm của không ít cán bộ làm công tác này còn hạn chế, dẫn đến tham mưu, giải quyết chưa đúng trình tự, thủ tục, thậm chí không đúng luật. Trong khi đó, sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, ngành, của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở trong giải quyết KNTC chưa tốt, thiếu quyết liệt.
Điển hình vụ bà Nguyễn Thị Tuyết ở khu Minh Khai, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) phản ánh cơ sở sản xuất thức ăn cho ong hoạt động trái pháp luật, gây rung lắc, tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường. Theo giấy phép kinh doanh, cơ sở này không đăng ký sản xuất thức ăn cho ong. Thế nhưng suốt từ năm 2016, bà Tuyết nhiều lần làm đơn lên UBND thị trấn Chũ và huyện Lục Ngạn yêu cầu xử lý, di dời cơ sở này khỏi khu dân cư nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Khó hiểu là, thay bằng việc phải đình chỉ, xử lý vi phạm thì phòng chuyên môn huyện Lục Ngạn lại tiếp tục hoàn thiện thủ tục cấp đổi, bổ sung nội dung được sản xuất thức ăn cho ong cho cơ sở này, gây khó thêm cho việc giải quyết KNTC. Tuy nhiên, ông Trịnh Quang Đăng, Phó trưởng Phòng Tài Chính - Kế hoạch Lục Ngạn giải thích: Theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp thì đơn vị không thể từ chối việc cấp đổi giấy khi hộ gia đình có đơn đáp ứng đủ các quy định về thủ tục (?!).
Cách giải quyết của cơ quan chuyên môn huyện Lục Ngạn làm nguyên đơn thêm bức xúc, mất niềm tin vào cấp huyện, gửi đơn vượt cấp.
Giải quyết tốt các vụ mới phát sinh
Được biết, trước tình hình KNTC diễn biến phức tạp, với quyết tâm nâng cao chất lượng giải quyết, giảm vụ việc đông người, vượt cấp, thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lĩnh vực này.
Cụ thể, năm 2019, tỉnh mở đợt cao điểm giải quyết KNTC, giao các sở, ngành, huyện, TP tập trung giải quyết dứt điểm hơn 30 vụ việc; thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát các vụ việc kéo dài, đông người, phức tạp. Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, làm việc với hầu hết các huyện, TP và chỉ đạo thanh tra các cấp kiểm tra đối với 73 cơ quan, đơn vị. Qua đó làm rõ nguyên nhân, hạn chế ở từng cơ quan, đơn vị, gợi ý phương án giải quyết triệt để nhiều vụ tồn đọng, kéo dài.
Với mục tiêu không để xảy ra điểm nóng về KNTC, ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 02/CT-UBND về nâng cao chất lượng giải quyết KNTC. Theo đó yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương xác định tiếp công dân, giải quyết KNTC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trách nhiệm của mình. Từ đó chỉ đạo bằng những biện pháp cụ thể, quyết liệt, phấn đấu giải quyết các điểm KNTC đông người, phức tạp; giải quyết tốt các vụ việc mới phát sinh...
Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)