Giải pháp cấp bách bảo đảm an toàn cầu Cẩm Lý
Cầu sắt Cẩm Lý nằm trong tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, thuộc xã Bắc Lũng và Vũ Xá (Lục Nam) được xây dựng từ năm 1979. Đây là một trong những cây cầu cuối cùng trong mạng lưới giao thông quốc gia vẫn dùng chung cho cả phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ.
Cầu có một làn xe cơ giới nên chỉ có thể lưu thông theo một chiều, chiều còn lại phải dừng chờ dẫn tới tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Hằng ngày có nhiều xe tải trọng lớn lưu thông qua đây trong khi mặt đường hai đầu cầu bị lún vỡ, tà vẹt gỗ đầu cầu không bảo đảm.
![]() |
Xe máy đi vào làn ô tô dù đầu cầu đã có biển cấm. Ảnh chụp chiều 5/10. |
Hơn 2 tuần sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 2 người đuối nước ở khu vực cầu Cẩm Lý, chúng tôi trở lại nơi đây, dù đã có bài học mà người tham gia giao thông phải trả giá bằng cả tính mạng nhưng chỉ hơn một giờ quan sát, ghi nhận hàng chục trường hợp xe máy, xe đạp điện đi vào làn đường dành cho xe ô tô dù hai bên đầu cầu đều có biển cấm. Thậm chí có trường hợp đi ngược chiều, khi thấy có cảnh sát giao thông, lập tức chuyển hướng phương tiện ngay trước đầu xe ô tô.
Ông Trần Văn Thì (SN 1959) ở thôn Quỳnh Độ (xã Bắc Lũng), người thường xuyên đi qua cầu Cẩm Lý cho biết:“Phía trong làn ô tô không có hành lang bảo vệ hai bên, hai làn ngoài dành cho xe đạp, xe máy thì quá nhỏ hẹp, hành lang bảo vệ thấp. Đi đúng làn cũng nguy hiểm, đi vào đường cấm cũng chẳng an toàn nên người dân qua cầu lúc nào cũng nơm nớp lo”.
Từ tháng 7 đến nay, tại đây xảy ra 4 vụ việc gây mất an ninh trật tự, trong đó có trường hợp người tham gia giao thông cố tình không thực hiện quy định pháp luật khi tham gia giao thông, điều khiển xe máy đi trong lòng cầu bị ngã đã gây sự với nhân viên gác cầu, đập kính xe ô tô của người khác. Đặc biệt là vụ tai nạn thương tâm khiến hai người đuối nước vào hồi 11 giờ ngày 20/9. Nguyên nhân do người điều khiển xe máy đi trong lòng cầu bị ngã rơi xuống sông.
Trao đổi với ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Lạng được biết, nguyên nhân chủ yếu của những vụ va chạm, tai nạn trên cầu Cẩm Lý là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Một số người không tuân thủ tín hiệu, biển báo hiệu giao thông, không theo chỉ dẫn điều hành giao thông của nhân viên gác cầu dẫn đến hiện tượng ùn tắc, va chạm giao thông.
Theo một số người dân xã Bắc Lũng và Cẩm Lý (cùng ở huyện Lục Nam), cây cầu quá nhỏ, hẹp không thể đáp ứng được tình hình phương tiện lưu thông trên khu vực vào thời điểm hiện nay. Do đó, việc sớm triển khai xây dựng cầu mới, tách riêng đường bộ với đường sắt, phục vụ nhu cầu thông thương, đi lại người dân là một trong những giải pháp căn cơ góp phần ngăn ngừa tai nạn tại khu vực.
Về vấn đề này, UBND tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải xem xét, ưu tiên bố trí đầu tư vốn xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý dài khoảng 600m với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng thực hiện dự án xây dựng cầu Cẩm Lý để tách cầu đường bộ khỏi cầu đường sắt tại đây.
![]() |
Lưu lượng phương tiện qua lại lớn trong khi cầu chỉ đi được một chiều nên giao thông tại đây thường xuyên tắc nghẽn. |
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình an toàn giao thông tại khu vực cầu Cẩm Lý, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam Đặng Văn Nhàn đã đề nghị Công ty cổ phần Đường sắt Hà Lạng cùng lực lượng Công an huyện, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phối hợp, bố trí lực lượng trực chốt tại khu vực cầu thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự khu vực này.
Xử lý nghiêm những trường hợp phương tiện quá khổ, quá tải và xe máy đi vào đường cấm nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền đến người dân địa phương các quy định về an toàn giao thông, nguy hiểm khi lưu thông qua khu vực cầu đường sắt.
Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tổ chức rà soát kết hợp xây dựng kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, trong đó tập trung các vị trí có nhiều điểm đấu nối, đường ngang, lối đi dân sinh tự mở và các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt, che khuất tầm nhìn.
Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)