Đưa pháp luật đến phụ nữ dân tộc thiểu số
Xã Bảo Sơn (Lục Nam - Bắc Giang) có hơn 1,7 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó gần 400 chị là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng). Để đưa kiến thức pháp luật tới hội viên, ngoài thông qua hội nghị tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền trực quan, chính quyền địa phương, Hội LHPN xã còn quan tâm phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ cơ sở.
![]() |
Tuyên truyền pháp luật bằng biển, bảng trực quan cho phụ nữ người dân tộc thiểu số ở thôn Hồ Lương, xã Bảo Sơn (Lục Nam). |
Chị Lê Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội đưa chúng tôi tìm gặp chị Hoàng Thị Bài, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Hồ Lương. Tác phong nhanh nhẹn, nói năng mạch lạc, rõ ràng, chị Bài chia sẻ: “Mấy năm trước, tỷ lệ người dân trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thấp.
Tôi cùng ban lãnh đạo thôn, đại diện các đoàn thể, mặt trận đến từng nhà vận động, giải thích những lợi ích khi tham gia chính sách này. Đến nay 100% người dân trong thôn đã tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Tôi cũng là tổ trưởng tổ hòa giải của thôn. Những năm gần đây, 7 thành viên trong tổ “thất nghiệp” vì bà con từ đầu làng đến cuối xóm đều thuận hòa, đoàn kết”.
Ở huyện vùng cao Sơn Động, tỷ lệ hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số chiếm gần 70%. Theo bà Đinh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện, do địa bàn rộng, dân cư phân tán, nhận thức của hội viên không đồng đều nên công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật gặp nhiều khó khăn.
Tuy vậy, Hội phụ nữ các cấp đã biến khó khăn thành động lực, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền pháp luật, nâng cao kỹ năng, trình độ cho cán bộ phụ nữ tại cơ sở để chính lực lượng này là "cánh tay nối dài" của chính quyền, đoàn thể góp phần đưa pháp luật tới hội viên, nhân dân.
Hội LHPN các cấp duy trì có hiệu quả các mô hình "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", “3 an toàn”, “Mẹ và con gái chung tay phòng, chống xâm hại tình dục”, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, bình đẳng giới… Theo khảo sát, khoảng 90% hội viên phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận các thông tin, kiến thức pháp luật. |
Qua tìm hiểu được biết, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều ưu tiên nguồn lực để tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật cho hội viên phụ nữ, nhất là cán bộ hội các cấp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Báo cáo viên là cán bộ chuyên trách của Hội LHPN tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc. Hoạt động tuyên truyền luôn bám sát phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Nội dung truyền tải đều là những vấn đề thời sự, sát thực tiễn tại địa phương như Luật Bảo vệ môi trường; quy định về bình đẳng giới; hôn nhân gia đình; phòng, chống mua bán người; pháp luật về trẻ em; bảo hiểm xã hội; an toàn giao thông; phòng, chống tội phạm trên không gian mạng…
Hội LHPN các cấp còn khai thác, biên soạn, cung cấp nhiều tài liệu pháp luật để chị em có thêm kênh tiếp cận hiệu quả. Duy trì các mô hình "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", “3 an toàn”, “Mẹ và con gái chung tay phòng, chống xâm hại tình dục”… Theo khảo sát, khoảng 90% hội viên phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận các thông tin, kiến thức pháp luật.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)