Doanh nghiệp Bắc Giang không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững
Với vai trò tập hợp hội viên, cầu nối giữa DN với chính quyền, nhà đầu tư, những năm qua, Hiệp hội DN đã tích cực hỗ trợ hội viên, góp phần rõ nét thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Xin ông cho biết vai trò đó được thể hiện như thế nào?
Những năm qua, Hiệp hội luôn đồng hành cùng DN bằng nhiều hoạt động như: Tập huấn, hội thảo, các nội dung liên quan tới quản trị, DN hội nhập kinh tế, quốc tế. Hằng quý, Hiệp hội còn tổ chức Chương trình "Cà phê doanh nhân" và mời lãnh đạo tỉnh tham dự. Thông qua chương trình, các DN gặp mặt, trực tiếp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh (SXKD) tới lãnh đạo tỉnh.
![]() |
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho hội viên Hiệp hội DN tỉnh có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. |
Những kiến nghị, đề xuất đó được trả lời trực tiếp hoặc chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan sớm tháo gỡ. Qua đây tạo thuận lợi cho DN hoạt động, giúp DN tự tin, phấn khởi mở rộng sản xuất để thực sự là nòng cốt trong phát triển KT-XH của tỉnh.
Chương trình “Cà phê doanh nhân” không chỉ DN kiến nghị, đề xuất tới nhà quản lý mà còn có sự hiến kế của doanh nhân cho tỉnh về giải pháp quản lý, điều hành; những lĩnh vực KT-XH cần quan tâm chỉ đạo, giải quyết. Cũng tại đây, các DN hội viên cùng chia sẻ kinh nghiệm SXKD, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng phát triển.
Hằng năm, Hiệp hội phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Phát triển DN (Sở Kế hoạch và Đầu tư) gửi phiếu khảo sát đến DN hội viên đánh giá chất lượng thực thi công vụ của các sở, ban, ngành, giúp tỉnh cải thiện chỉ số năng lực canh tranh (PCI). Nhờ đó năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh Bắc Giang xếp thứ 27 với 63,98 điểm, tăng 13 bậc so với năm trước. Môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Bắc Giang và yên tâm SXKD tại đây.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến cộng đồng DN gặp khó khăn. Tuy nhiên nhiều DN đã nỗ lực vươn lên, nhanh chóng khôi phục sản xuất, đồng thời chung tay giúp đỡ cộng đồng. Ông có thể chia sẻ thêm về hoạt động này?
![]() |
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang - hội viên Hiệp hội DN tỉnh. |
Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Bắc Giang từng là tâm dịch của cả nước, DN bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều DN phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch (PCD), lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Muốn hoạt động sản xuất an toàn phải chi khoản tiền lớn để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ PCD như: Máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn, dụng cụ bảo hộ phòng dịch, xét nghiệm định kỳ cho lao động…
Một số DN đã hỗ trợ tiền ăn, bố trí chỗ ở miễn phí cho lao động sinh hoạt tại công ty. Trước những khó khăn như vậy, DN vẫn nỗ lực vượt qua thử thách, nhanh chóng khôi phục SXKD. Kết quả này thể hiện rõ trong thời gian ngắn, các DN đã ổn định trở lại, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 8 đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều DN tích cực ủng hộ công tác PCD vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen, gồm: Công ty TNHH Tân Thịnh, Công ty cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, Công ty cổ phần Đầu tư 379, Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Mai, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Lam Sơn, Công ty cổ phần Xây dựng 179, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc, Công ty TNHH Thạch Bàn, Công ty cổ phần Bagico, Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hùng Cường, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Uyên Sơn… |
Đáng trân trọng là trong gian khó, các hội viên vẫn tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh chung sức ủng hộ công tác PCD. Đến ngày 31/7, các hội viên đã ủng hộ hơn 50 tỷ đồng cho Quỹ Vắc-xin PCD Covid-19. Nhiều DN tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng. Từ cuối năm 2020, Hiệp hội còn thành lập và đưa Quỹ Từ thiện DN tỉnh vào hoạt động. Hiện Quỹ đã vận động và trao quà cho nhiều đơn vị, cá nhân với số tiền gần 92 tỷ đồng.
Bắc Giang đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đến năm 2030”, trong đó đòi hỏi các DN tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, hiện đại hoá. Hiệp hội đã đồng hành với Đề án này như thế nào?
Có thể khẳng định việc nâng cao chất lượng nhân lực là nội dung quan trọng được Hiệp hội tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo hỗ trợ DN hội viên thời gian qua. Trong khi phần lớn DN trên địa bàn là đơn vị nhỏ và vừa thì đây là yếu tố bắt buộc giúp DN đáp ứng yêu cầu hội nhập. Để làm tốt điều này, trước tiên Hiệp hội kiện toàn lại cơ cấu bộ máy Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ DN (đơn vị trực thuộc Hiệp hội - PV), tuyển chọn đội ngũ cán bộ, nhân viên có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiều kinh nghiệm ở các lĩnh vực mà DN có nhu cầu.
Ngoài Ban Giám đốc, Trung tâm thành lập 3 phòng phụ trách từng lĩnh vực như: Tư vấn về truyền thông, tư vấn xây dựng và tư vấn đầu tư. Qua đó, 9 tháng năm nay, Trung tâm đã tư vấn cho hàng trăm lượt khách hàng đến giao dịch trực tiếp hoặc thông qua điện thoại liên quan tới lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thuế…
Đặc biệt, Hiệp hội giao cho Trung tâm hỗ trợ DN hội viên thực hiện chuyển đổi số (CĐS) theo đúng Kế hoạch CĐS tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay đã tổ chức tập huấn online CĐS cho hơn 200 DN. Sau khóa học, các đơn vị đã cơ bản xây dựng các bước thực hiện tại công ty. Nhiều DN chủ động ký kết với Trung tâm thực hiện CĐS.
Hiệp hội cũng luôn quan tâm đào tạo, tập huấn theo các chuyên đề cho DN, giúp hội viên nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu công việc đề ra, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn.
Thưa ông, để thực hiện hiệu quả phương châm hoạt động của Hiệp hội đề ra là “DN phát tài - địa phương phát triển” thì hội viên cần quan tâm những nội dung nào và nhân đây, Hiệp hội có đề xuất gì?
Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng DN, doanh nhân cả nước, đến nay Bắc Giang có hơn 11 nghìn DN và hàng vạn hộ kinh doanh đăng ký hoạt động. Thời gian qua, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, cộng đồng DN, doanh nhân Bắc Giang có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trước yêu cầu hội nhập và tác động của dịch bệnh.
Với phương châm “DN phát tài - địa phương phát triển”, Hiệp hội xác định hội viên cần tập trung thực hiện 5 nội dung trọng tâm gồm: Xác định rõ mục tiêu kinh doanh của mình; xây dựng cho mình một hệ thống quản trị DN hiệu quả để giúp phát triển bền vững và giải phóng sức lao động cho đội ngũ lãnh đạo; xây dựng, duy trì văn hóa DN, coi đó là cốt lõi, nền tảng phát triển; quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ thương hiệu; không ngừng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững.
Nhân dịp này, Hiệp hội mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho DN tiếp cận cơ chế, chính sách mới trong hoạt động đầu tư, SXKD. Tỉnh chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN; đồng thời có những đề xuất, kiến nghị trình T.Ư sửa đổi, bổ sung các nội dung còn bất cập về cơ chế, chính sách để DN thực hiện thuận lợi, đúng pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Phương (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)