Điều chỉnh thông tin trên giấy tờ sau sáp nhập đơn vị hành chính ở Bắc Giang: Kịp thời giải quyết nhu cầu của người dân
Nhu cầu tăng
6 giờ 30 phút sáng 9/6, tại khu vực tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp mới CMND của Công an huyện Lạng Giang có hàng chục người đến làm các thủ tục liên quan. Theo ghi nhận, khoảng 30% công dân có mặt tại đây đến từ các thôn, khu phố thuộc xã Phi Mô, thị trấn Vôi (cũ), nay sáp nhập thành thị trấn Vôi. Vừa hoàn thành các thủ tục, ông Lục Bình Tăng (SN 1956) ở tổ dân phố Thống Nhất, chia sẻ, lý do ông xin cấp đổi CMND là do thôn nơi ông đang sinh sống đã có quyết định đổi thành tổ dân phố.
![]() |
Cán bộ Công an huyện Lạng Giang hướng dẫn công dân hoàn thiện thủ tục cấp đổi CMND. |
Theo lời ông, dù được cán bộ tuyên truyền những giấy tờ cũ vẫn có thể sử dụng được song để thuận lợi hơn trong các giao dịch dân sự nên ông vẫn xin cấp đổi. Còn theo anh Nguyễn Thành Chung (SN 1972) ở tổ dân phố Tân Thành, thị trấn Vôi (trước là thôn Tân Thành, xã Phi Mô), do đang có nhu cầu vay vốn làm kinh tế, cần điều chỉnh các thông tin liên quan cho phù hợp với tên gọi địa giới hành chính mới nên anh đến làm thủ tục cấp đổi. Được biết, từ đầu tháng 6, sau khi UBND tỉnh có quyết định về việc chuyển thôn, khu, tiểu khu, phố thành tổ dân phố, công dân đến làm các thủ tục liên quan đến cấp đổi tại Công an huyện Lạng Giang tăng đột biến (khoảng 30%). Để tạo thuận lợi cho người dân, thay vì chỉ trực, tiếp nhận hồ sơ vào các ngày thứ 3, 5 như trước, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện) bố trí thêm cán bộ trực, giải quyết nhu cầu của người dân vào tất cả các ngày làm việc trong tuần.
Tại các địa phương mới sáp nhập, lực lượng công an đã điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu đạt từ 80 đến 95%. Với CMND, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính toàn tỉnh đã cấp mới, cấp đổi gần 51,5 nghìn trường hợp. |
Tại các địa phương khác, nhu cầu điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu, cấp đổi CMND của công dân ở địa bàn mới sáp nhập cũng tăng cao, chiếm từ 30 đến 40% lượng hồ sơ mới tiếp nhận. Không để người dân phải chờ lâu, lực lượng công an bố trí thêm cán bộ, tăng số buổi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục.
Tại Sơn Động - địa phương sắp xếp đơn vị hành chính nhiều nhất tỉnh (từ 23 xã, thị trấn còn 17), mỗi tuần cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện) bố trí ít nhất một ngày xuống địa bàn làm CMND cho người dân tại các xã, thị trấn mới sáp nhập ở xa trung tâm huyện. Không chỉ tập trung tại nhà văn hóa các thôn, cán bộ tổ công tác còn đến từng hộ để làm thủ tục cho những trường hợp cao tuổi, bị tàn tật.
Tại thị trấn Nham Biền (Yên Dũng), sau sáp nhập các xã: Thắng Cương, Nham Sơn và thị trấn Neo thành thị trấn Nham Biền, địa phương có khoảng 4,5 nghìn hộ với hơn 15,5 nghìn nhân khẩu. Do đó nhu cầu điều chỉnh thông tin trên sổ hộ khẩu, cấp đổi CMND tăng. Với phương châm “không để lỡ việc của công dân”, công an xã luôn bố trí 4 cán bộ, công an viên trực tại đơn vị; tổ chức làm thêm vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Với những trường hợp người cao tuổi, tàn tật, khó khăn trong đi lại, đơn vị cử cán bộ đưa lên bộ phận tiếp nhận của Công an huyện hoặc xuống tận nhà để làm các thủ tục.
Cần lộ trình cụ thể
Từ ngày 1/3/2020, 19 đơn vị hành chính cấp xã mới được sáp nhập từ 40 đơn vị chính thức hoạt động. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các địa phương có thay đổi địa giới, địa danh hành chính, từ cuối năm 2019, Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết các quy định về hồ sơ, thủ tục, trình tự thực hiện việc cấp đổi CMND, điều chỉnh sổ hộ khẩu. Theo đó, đối với CMND, nếu thấy thuận tiện hoặc hết hạn sử dụng, thật sự có nhu cầu thì người dân mới cần làm thủ tục cấp đổi; trong trường hợp không cấp đổi vẫn có thể sử dụng bình thường. Còn với sổ hộ khẩu, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày có quyết định về thay đổi địa giới hành chính, cơ quan chức năng phải thông báo đến công dân và trong thời hạn 30 ngày từ khi nhận được thông báo, công dân có trách nhiệm làm thủ tục điều chỉnh.
Thực tế, ngay sau khi các địa phương tổ chức công bố quyết định sáp nhập, nhất là từ khi có quyết định chuyển thôn, khu, tiểu khu, phố thành tổ dân phố, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính, công an các xã, thị trấn đưa ra những giải pháp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất khi người dân làm các thủ tục. Nhiều địa phương tập trung rà soát những trường hợp chưa điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu để mời đại diện hộ gia đình đến hoàn thiện.
Qua thống kê, tại các địa phương mới sáp nhập, lực lượng công an đã điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu đạt từ 80 đến 95%. Với CMND, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính toàn tỉnh đã cấp mới, cấp đổi gần 51,5 nghìn trường hợp; riêng từ đầu tháng 5 đến nay tiếp nhận gần 14 nghìn hồ sơ đề nghị. Hồ sơ tăng cao song đều được đáp ứng kịp thời; mọi công dân đều được tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cụ thể để công việc diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Thượng tá Ngô Văn Kiên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) nói: “Không phải thay đổi địa danh là buộc mọi người phải đồng loạt đi đổi các loại giấy tờ. Việc thay đổi, điều chỉnh là cần thiết nhưng sẽ được thực hiện theo lộ trình. Theo quy định, khi điều chỉnh địa danh, sáp nhập địa giới hành chính, tất cả loại giấy tờ cũ của người dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng. Do đó, người dân cũng không nên quá lo lắng mà đổ xô đi làm thủ tục thay đổi giấy tờ nhân thân ngay, tránh tình trạng tập trung quá đông người trong cùng một thời điểm”.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)