Dịch vụ giáo dục trực tuyến: Phát huy năng lực tự học trong kỷ nguyên số
BẮC GIANG - Những năm gần đây, xu hướng học trực tuyến gia tăng. Đáp ứng nhu cầu người học, nhiều đơn vị đã cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến (E-learning). Dịch vụ giáo dục trực tuyến đã góp phần phát huy năng lực tự học, xây dựng xã hội học tập trong kỷ nguyên số.
Thu hút người học
Hiện nay, nhiều học sinh Bắc Giang đăng ký tham gia học trực tuyến để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu các kỳ thi tuyển sinh. Nhất là trong dịp nghỉ hè, các em đã tranh thủ thời gian để tham gia một số khóa học. Để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, SAT), nhiều em đã mua ứng dụng tự học như: Elasa speak (luyện nghe tiếng Anh), Anki (học từ vựng tiếng Anh), the Guardian (tự học IELST qua tin tức). Ôn luyện để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, ngoài học tập trên lớp, học sinh đã tham gia học trực tuyến trên các ứng dụng: Hocmai, Edubit, Vietjack, onluyen.vn, vui học.vn.
|
Học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang tham gia học trực tuyến tại ứng dụng Vuihoc.com. |
Em Thân Hà Quỳnh Anh, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Việt Yên số 1 cho biết: “Em đạt 111/150 điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 4/2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Điểm số này giúp em trúng tuyển sớm vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Để đạt được kết quả này, ngoài tập trung cao cho việc học tập trên lớp, em đã đầu tư tự học bằng việc tham gia khóa học trên nền tảng học trực tuyến hocmai.vn”. Được biết, Quỳnh Anh đã mua khóa học thời hạn 6 tháng với chi phí hơn 3 triệu đồng. Nền tảng học trực tuyến hocmai.vn do Công ty cổ phần giáo dục trực tuyến Galaxy Education (TP Hà Nội) cung cấp.
Không chỉ riêng học sinh, nhiều người trẻ cũng đăng ký các khóa học online đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, sát hạch, nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng, trau dồi nghề nghiệp như: Giao tiếp, trang điểm, photoshop, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, kế toán. Để phục vụ công việc tại một công ty quảng cáo, tháng 7/2024, chị Hà Hương Giang (SN 2000), thị trấn Chũ (Lục Ngạn) đã đăng ký khóa học trực tuyến về chỉnh sửa, dựng video, thiết kế đồ họa tại ứng dụng Unica. Chị Giang nói: “Dịch vụ giáo dục trực tuyến rất tiện lợi cho những người đã đi làm, tranh thủ học tập, bồi dưỡng kiến thức ở bất kỳ lĩnh vực nào nhằm đáp ứng yêu cầu công việc”.
Không chỉ theo học các khóa học trực tuyến do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, nhiều người còn tiếp cận các phần mềm từ nước ngoài để tự học. Như một số nền tảng giáo dục trực tuyến Geniebook (Singapore), Eduling Speak (Mỹ), Thinkific (Canada), WizlQ (Ấn Độ), Teachable (Mỹ). Dịch vụ giáo dục trực tuyến đã góp phần phát huy năng lực tự học, xây dựng xã hội học tập trong kỷ nguyên số.
Khai thác hiệu quả ứng dụng
Việt Nam hiện có hơn 300 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến chủ yếu ở các lĩnh vực như: Luyện thi, học ngoại ngữ, bổ trợ kiến thức các môn học, nâng cao kỹ năng. Trong đó, các nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ học ngoại ngữ phát triển mạnh, thu hút đông người sử dụng. Đơn cử ứng dụng Monkey junior hướng tới phục vụ trẻ em học tiếng Anh đã thu hút hàng triệu trẻ em theo học, trong đó có đông đảo các em nhỏ ở khu vực đô thị của Bắc Giang.
|
Sinh viên Nguyễn Kim Quân (SN 2005), ở phường Trần Nguyên Hãn sinh viên Trường Đại học Lao động và Xã hội đang theo học khóa học trực tuyến tiếng Anh tại ứng dụng Eduling Speak. |
Trước sự tiện lợi của các dịch vụ giáo dục trực tuyến, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã mua một số ứng dụng trang bị cho thư viện, phòng học thông minh phục vụ giáo viên, học sinh tham khảo, tự trau dồi, mở rộng kiến thức. Như Trường THCS Tân Tiến (TP Bắc Giang) đã mua các ứng dụng bổ trợ kiến thức tiếng Anh, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí để cài đặt vào hệ thống bảng thông minh ở tất cả phòng học. Cô giáo Phạm Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nội dung phần mềm phong phú, phù hợp với từng đối tượng học sinh cần phụ đạo, bồi dưỡng ở các mảng kiến thức khác nhau. Bởi vậy, ngoài giờ học chính khóa, học sinh nhà trường khai thác triệt để các ứng dụng đã cài đặt sẵn tại bảng điện tử trong phòng học, hỗ trợ giáo viên khá hiệu quả trong việc giảng dạy, giúp các em hiểu bài sâu, kỹ hơn".
Việt Nam hiện có hơn 300 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến chủ yếu ở các lĩnh vực như: Luyện thi, học ngoại ngữ, bổ trợ kiến thức các môn học, nâng cao kỹ năng. Không chỉ theo học các khóa học trực tuyến do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, nhiều người còn tiếp cận các phần mềm từ nước ngoài để tự học. |
Gần đây, Sở GD&ĐT đã vận động Quỹ Hy vọng (do Bộ Nội vụ cấp phép thành lập, Báo VnExpress và Tập đoàn FPT quản lý) trao tặng thư viện điện tử cho 2 trường: Tiểu học Xuân Lương (Yên Thế) và Tiểu học Khám Lạng (Lục Nam). Trong đó, các máy tính của thư viện cài đặt tài khoản học trực tuyến các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh dành cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 tại ứng dụng Vuihoc.vn với nhiều học liệu phong phú, giúp giáo viên và học sinh tham khảo, bổ trợ kiến thức.
Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Để đông đảo học sinh được tiếp cận với các ứng dụng bổ trợ kiến thức, các nhà trường tăng cường vận động, tuyên truyền giáo viên, học sinh tìm tòi, nghiên cứu, khai thác hiệu quả các nền tảng giáo dục trực tuyến vào giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, chi phí mua các gói ứng dụng học trực tuyến cao, thường chỉ có học sinh ở khu vực thành thị mới có khả năng tiếp cận. Bởi vậy, khi có chương trình tài trợ các khóa học, ứng dụng trực tuyến, Sở ưu tiên cho học sinh vùng khó khăn tiếp cận sử dụng. Bên cạnh đó, người học phát huy tinh thần tự học, khai thác hiệu quả các phần mềm học trực tuyến miễn phí, cân nhắc chọn mua những ứng dụng bảo đảm chất lượng, phù hợp với năng lực, sở trường".
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)