ĐBQH tỉnh Bắc Giang thảo luận sâu về chính sách tài khóa, tiền tệ
Dự thảo Nghị quyết đưa ra mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại tổ. |
Các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH gồm những nội dung chính như: Tăng bội chi ngân sách nhà nước tối đa 240 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện chương trình (miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 64 nghìn tỷ đồng trong năm 2022); chi đầu tư phát triển tối đa 176 nghìn tỷ đồng (xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng...); sử dụng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...
Nhìn chung các đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết, đồng thời thảo luận, đề nghị Quốc hội xem xét một số vấn đề để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, gói chi đầu tư phát triển cần bổ sung, nhấn mạnh ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng logistic, nhà ở xã hội cho công nhân.
Cần đặc biệt quan tâm đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa có thêm nguồn lực cho thực hiện chương trình phục hồi kinh tế. Về áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù, đại biểu đề nghị cần xác định rõ việc giao cho Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết; báo cáo Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện tại kỳ họp cuối năm 2022 và sau khi kết thúc thời hạn áp dụng.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh thảo luận về nội dung mua máy tính bảng cho học sinh. |
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, việc dành 1 nghìn tỷ đồng để mua máy tính bảng cho học sinh trong dự thảo Nghị quyết cần cân nhắc. Hiện nay, tổng số học sinh phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) của cả nước là gần 20 triệu. Với số tiền 1 nghìn tỷ đồng chỉ có thể mua được không quá 200 nghìn máy tính bảng (5 triệu đồng/máy), tức không quá 0,1% số học sinh phổ thông được cấp máy. Nếu cấp máy sẽ rất khó có tiêu chí để bảo đảm công bằng, chưa kể máy được cấp hoàn toàn có thể bị hỏng sau thời gian sử dụng.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất có thể giao cho UBND cấp tỉnh tạo lập kho máy tính bảng cho toàn tỉnh, gồm các kho đặt tại cấp huyện, cấp tỉnh điều tiết. Kho máy tính bảng này thực hiện xã hội hoá kết hợp phương thức thuê của doanh nghiệp sẽ phù hợp hơn; không nên dùng Quỹ Viễn thông công ích chi cấp phát 1 nghìn tỷ đồng để mua máy tính bảng cho học sinh.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Văn Thi thảo luận về đầu tư, hỗ trợ nông nghiệp. |
Một số đại biểu đề nghị cần bổ sung nhóm giải pháp tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thi, việc đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là lĩnh vực căn cơ, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định lâu dài nên trong hệ thống chính sách tài khoá, tiền tệ của dự thảo Nghị quyết cần quan tâm hỗ trợ cho nông nghiệp, kể cả hỗ trợ trực tiếp; hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông nghiệp.
Ngày mai (5/1), Quốc hội nghỉ làm việc do Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2022.
Ý kiến bạn đọc (0)