Đắm lòng quan họ
Lâu rồi, tôi mới trở lại Việt Yên - huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được công nhận nông thôn mới. Về Việt Yên cùng tôi hôm ấy có thêm anh bạn công tác ở một cơ quan báo chí của tỉnh. Trong câu chuyện, anh nhìn tôi cười tươi: “Mười mấy năm trước, anh đã về Việt Yên viết bài Quan họ... người ơi.
![]() |
Nghệ nhân Nhân dân Hoắc Công Chờ và thành viên CLB Quan họ Trung Đồng, huyện Việt Yên. Ảnh: Trần Đức |
Nay em muốn anh trở lại với quan họ bờ bắc sông Cầu đó”. Tôi đáp: Mình người miền Trung nhưng yêu quan họ từ bé. Đến bây giờ càng mê hơn. Quan họ là giá trị văn hoá đặc sắc, độc nhất vô nhị của vùng Kinh Bắc, của dân tộc Việt và bây giờ đã thuộc về nhân loại. Viết về quan họ bao nhiêu cũng không hết cái hay, cái đẹp của dòng dân ca này.
Địa chỉ đầu tiên chúng tôi đến là chùa Bổ Đà được xây dựng vào thế kỷ 18. Trong khi nhiều nơi người ta bỏ bao tiền của để làm chùa to tượng lớn hoành tráng, lộng lẫy thì chùa Bổ Đà vẫn giữ nguyên nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Thượng toạ Tự Tục Vinh, trụ trì chùa cùng các anh Đào Trọng Ca, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin và Thể thao; Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên đón chúng tôi từ sớm.
Tôi không giấu được niềm vui khi gặp lại Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Hiệp, người đã cùng Nguyễn Đăng Nam ca quan họ cho tôi nghe tại đình Thổ Hà cách đây hơn mười năm. Nghe một lần mà cứ nhớ mãi. Tiếc là nghệ nhân Nguyễn Đăng Nam bận việc riêng không đến được.
Thổ Hà là một trong các làng quan họ của Việt Yên còn giữ được lối hát canh cổ truyền. Trời mưa cho ướt lá khoai/ Đố ai lấy được con trai Thổ Hà... Người thông hiểu kho tàng dân ca độc đáo này mới nói chơi quan họ chứ không phải hát quan họ như ta thường dùng. Chơi mà thật công phu. Đắm đuối, hết mình là mặc nhiên rồi nhưng luyện hát quan họ cũng thật kỳ công. Nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp nói: “Chúng tôi tìm lại cách thức ca cổ, dùng hơi trong đưa ra ngoài gọi là hơi đan điền. Không dễ đâu.
Khi luyện ca quan họ, hai bên sườn đau lắm”. Nếu không có những người như Nguyễn Phú Hiệp thì quan họ sẽ về đâu? Trong tôi lởn vởn câu hỏi ấy. Không những hát mềm, hát khéo những câu quan họ huê tình, Nguyễn Phú Hiệp còn dày công sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ trẻ, trong đó có nhiều sinh viên biết ca quan họ. Khoảng 600 câu quan họ cổ được sưu tầm chứ chẳng ít ỏi đâu.
Phần lớn là ngồi nghe các cụ ca rồi chép lại để lưu truyền tiếp. Tâm huyết, công lênh thật lớn. Truyền dẫn tình yêu và cách thức ca quan họ đúng chuẩn của ông cha cho con em mình, để họ khỏi bị sai lệch cái cơ bản của quan họ gốc. Thế mới biết, truyền dạy, đào tạo ca quan họ cho lớp trẻ phải là người có tâm huyết và có tài.
Chùa Bổ Đà là nơi nhiều lần diễn ra các cuộc ca quan họ của hơn 50 đội vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Theo anh Đào Trọng Ca, Việt Yên có khát vọng lớn là tạo ra một không gian quan họ bờ bắc sông Cầu với những canh ca quan họ đúng niêm luật, từ màn mời nước, mời trầu đến giọng vặt, rồi giọng giã ở cả đình chùa và trên sông. Hát mộc, đúng tính chất đối đáp không nương luỵ vào dàn nhạc đệm.
Rời chùa Bổ Đà chúng tôi đến chùa Trung Đồng để thưởng thức quan họ xế chiều như cách nói của nhiều người. Gọi vậy bởi ở làng này có nhiều bậc cao niên tham gia câu lạc bộ quan họ gồm 38 thành viên, trong đó có ông Hoắc Công Chờ là Nghệ nhân Nhân dân năm nay 83 tuổi. Tuy vậy, người cao tuổi nhất trong câu lạc bộ là cụ Hoắc Thị Chướng, tuổi 90. Năm lên bảy tuổi, ông Hoắc Công Chờ đã theo mẹ đi ca quan họ và sau này trở thành người sưu tầm các làn điệu dân ca lừng danh này.
Năm 2016, ông được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và năm 2019 được tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Theo lời ông kể, Trung Đồng ai cũng biết ca quan họ. Quan họ đắm tình trong không gian làng quê mỗi năm chỉ có một vụ chiêm, bọn nam, bọn nữ hát đối nhau khi đi cấy, lúc đi gặt. Hát đối nhau từ sân nhà này với sân nhà kia...
Nhờ thế mà ở Trung Đồng không hiếm gia đình như bà Vũ Thị Hường có nhiều thế hệ cùng mê, cùng ca quan họ. Bà Hường 68 tuổi, con gái là Hoàng Thị Thương, 48 tuổi; con trai Hoàng Công Hiến, 40 tuổi; cháu nội Hoàng Đại Dương 19 tuổi đều biết ca quan họ.
Tôi làm sao quên được buổi chiều ấy, khi ngồi giữa các liền anh, liền chị cao niên như ông Hoắc Công Chờ, bà Vũ Thị Hường, bà Dương Thị Lương, Hoàng Thị Ấn, tuổi từ 62 đến 83 để thưởng thức các câu quan họ làng mình theo cách giới thiệu của họ. Những bài quan họ chỉ có ở Trung Đồng, hỏi ai không đắm lòng cơ chứ: Yêu anh sợ mẹ ở nhà/ Công em chờ đợi đã ba năm tròn...; Mong sao thuyền đến tới bờ/ Để em lên bến em chờ đợi anh...
Đắm say quan họ nhưng vẫn còn những băn khoăn đấy, khi nghe các liền anh, liền chị cao tuổi thổ lộ: “Từ khi làng có công nghiệp (ý nói khu công nghiệp) thì người ta tập trung đi làm ăn, kiếm tiền, không còn nhiều người vào câu lạc bộ. Nếu như các chú về đúng ngày chủ nhật thì chúng tôi sẽ gọi được nhiều người đến hát hơn, giờ này họ đang đi làm”.
Thế đấy, bài toán phát triển kinh tế và gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá dân tộc vẫn đang cần một lời giải. Trong hoàn cảnh nào cũng không thể buông bỏ, đánh mất văn hoá. Văn hoá không chỉ là dấu vết quá khứ mà nó là năng lượng của cuộc sống hôm nay và mai sau. Hình như tôi đã đọc được điều đó từ Việt Yên, nơi mình đã trở lại và đắm lòng hơn với quan họ... người ơi!
Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc (0)