Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc, đối thoại chuyên đề với cử tri ngành giáo dục và đào tạo TP Bắc Giang
Đại biểu HĐND tỉnh gồm các đồng chí: Dương Văn Thái, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Vũ Trí Hải, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực TP Bắc Giang; Nguyễn Quốc Toản, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Phạm Thùy Trang, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Ngô Sỹ Long, Trưởng Ban Dân Vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Bắc Giang; Phùng Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng ủy phường Đa Mai. Cùng dự có đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ngành tỉnh và gần 400 đại biểu là cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn TP Bắc Giang.
![]() |
Các đại biểu HĐND tỉnh khu vực TP Bắc Giang tiếp xúc, đối thoại với cử tri ngành GD&ĐT TP Bắc Giang. |
Tại hội nghị, đồng chí Vũ Trí Hải thông báo nhanh tới cử tri nội dung, chương trình kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XIX. Đồng thời nhấn mạnh, hội nghị tiếp xúc, đối thoại này là dịp để các đại biểu HĐND tỉnh khu vực TP Bắc Giang nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những khó khăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành GD&ĐT.
Từ đó, kịp thời đề xuất, kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các cấp, ngành trong tỉnh vì mục tiêu chung là phát triển GD&ĐT trong tình hình mới.
![]() |
Đồng chí Vũ Trí Hải phát biểu hội nghị. |
Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo UBND TP Bắc Giang, trên địa bàn hiện có 54 trường học (49 trường công lập, 5 trường tư thục) và 87 cơ sở mầm non độc lập, tư thục. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 1.980 người.
Về chất lượng giáo dục toàn diện, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt trên 99%; phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi từng bước được nâng cao; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2.
Cùng với triển khai các nhiệm vụ GD&ĐT, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; thi đua khen thưởng; giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và văn hóa học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học; giáo dục lịch sử địa phương… được các nhà trường tiếp tục quan tâm.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. |
Trong không khí cởi mở, có 10 cử tri là cán bộ, giáo viên trong ngành GD&ĐT TP Bắc Giang thẳng thắn bày tỏ ý kiến, kiến nghị. Trong đó, tập trung nhiều vào các vấn đề: Mở rộng diện tích và xây mới một số trường học chưa bảo đảm về diện tích; có chính sách hỗ trợ giáo viên, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu với giáo viên bậc mầm non (sớm hơn so với quy định chung); xem xét, bổ sung, bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp để thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày và có chế độ bồi dưỡng với đội ngũ này; quản lý chặt việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; đẩy nhanh tiến độ mở rộng trường lớp học khối THPT công lập, tăng chỉ tiêu tuyển sinh để học sinh tốt nghiệp THCS có thêm cơ hội học tại đây.
Cụ thể, cử tri Hoàng Thùy Trang, Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho rằng, Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông đã ban hành nhiều năm, đến nay đã có nhiều nội dung lạc hậu, bất cập. Vì vậy, mong muốn HĐND tỉnh nêu ý kiến tới các cơ quan chuyên môn cấp trên, nhất là kiến nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản sửa đổi hoặc thay thế để thực hiện cho phù hợp.
Cử tri lý giải, trong xã hội hiện nay, rất nhiều gia đình phó mặc việc giáo dục đạo đức học sinh cho nhà trường, cho giáo viên. Trong khi đó, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi phát triển người học cả về phẩm chất và năng lực. Vì vậy, giáo viên cần được trao nhiều quyền hơn để thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.
![]() |
Cử tri Hoàng Thuỳ Trang nêu ý kiến tại hội nghị. |
Một số cử tri các trường tiểu học trên địa bàn phản ánh, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày (7 tiết/ngày) nên buổi chiều học sinh tan học vào 16 giờ 10 phút. Thời điểm này, nhiều phụ huynh đi làm không đón được con đúng giờ. Vì các em còn nhỏ, giáo viên không yên tâm khi để các em tự ra về hoặc chơi đùa tự do ngoài sân trường nên phải ở lại trông.
Trong đó, có nhiều phụ huynh đón con muộn nên có nhu cầu nhờ giáo viên trông con tại trường. Vậy đề nghị HĐND tỉnh có cơ chế để các trường tiểu học được phép trông học sinh ngoài giờ và quy định cụ thể về mức thu phí.
Về vấn đề phân luồng giáo dục phổ thông, cử tri Hà Toàn Thắng, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn cho biết, những năm qua, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm đối với hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT (sau cấp THCS các em vừa học nghề, vừa học văn hóa). Tuy nhiên nhà trường không được giao kinh phí và biên chế giáo viên cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Để bảo đảm chất lượng đào tạo, tạo thuận lợi cho người học có nhu cầu, nhà trường đề nghị đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đề xuất để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giảng dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT; đồng thời cấp kinh phí và biên chế giáo viên thực hiện nhiệm vụ này.
Trước những băn khoăn về tình trạng thiếu giáo viên ở bậc tiểu học, mầm non, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, để thực hiện song hành hai nhiệm vụ là tinh giản biên chế theo quy định và bảo đảm chất lượng GD&ĐT, Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn. Trong đó, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần gỡ vướng khi các nhà trường thiếu giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học.
Về khó khăn trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT khẳng định, Sở sẽ tiếp tục nắm bắt, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường từng bước tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, kiến nghị với Bộ GD&ĐT về những bất cập để có điều chỉnh quy định, chính sách phù hợp trong quản lý dạy thêm, học thêm, khen thưởng, kỷ luật học sinh, cải cách tiền lương cho giáo viên…
![]() |
Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, Tỉnh ủy đang chuẩn bị tổng kết 10 năm Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hội nghị hôm nay là cơ hội để các đại biểu HĐND tỉnh nắm bắt thực trạng GD&ĐT của TP Bắc Giang. Từ đó, tỉnh có những quyết sách tháo gỡ vướng mắc, đồng thời kiến nghị với T.Ư, Chính phủ để điều chỉnh cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Ghi nhận, đánh giá cao và tiếp thu những ý kiến của cử tri đại diện cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn TP Bắc Giang, đồng chí giao nhiệm vụ cho bộ phận thư ký tổng hợp đầu đủ, chuyển tới các cấp cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Với Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ, đồng chí đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực trạng, từ đó, tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp; xem xét, giải quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của từng ngành. Những vấn đề của T.Ư thì sẽ trao đổi, kiến nghị để từng bước tháo gỡ.
Đồng chí Dương Văn Thái khẳng định, những năm qua, với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tỉnh luôn dành sự quan tâm đầu tư cho GD&ĐT, nhất là về cơ sở vật chất. Hiện nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh đạt 96%, cao hơn bình quân chung cả nước.
Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, việc tinh giản biên chế, trong đó có giáo viên vẫn phải tiếp tục triển khai, đồng chí mong muốn đội ngũ nhà giáo chia sẻ, khắc phục khó khăn, tiếp tục cống hiến, đóng góp vào thành tích chung của giáo dục tỉnh nhà.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)