Công bố lịch trình tổ chức các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia năm 2022
![]() |
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố về lịch trình tổ chức các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia năm 2022 (đợt 1) đối với 5 nghề đã được ban hành Thông tư quy định danh mục cơ sở vật chất trang thiết bị (Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò - Bậc 1, 2, 3, Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò - Bậc 1, 2, 3, Kỹ thật cơ điện mỏ hầm lò - Bậc 1, 2, 3; Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm) - Bậc 2, 3, Điện tử công nghiệp - Bậc 1, 2, 3). Đồng thời, Bộ đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý một số nội dung nhằm tăng cường thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo lịch trình cụ thể.
Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giúp các doanh nghiệp, người lao động nâng cao nhận thức về lợi ích của công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo lịch trình tổ chức các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia công bố ở trên. Khuyến khích, thúc đẩy việc “công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động làm việc dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật”, đồng thời chủ động tổ chức thực hiện khoản 2 Điều 32 Luật Việc làm trong bối cảnh mới về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề theo Chỉ thị số 24/CT-TTg, đặc biệt đối với các nghề yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, các nghề thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các nghề về lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa và các nghề có nhu cầu đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia lớn.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý xem xét, đề xuất thay đổi, bổ sung các công việc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt là các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động và cộng đồng gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) để tổng hợp trình Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định hiện hành.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) trong việc xây dựng, thẩm định và công bố các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, góp phần chuẩn hóa lực lượng lao động, nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và chỉ đạo thực hiện các quy định về công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thực hiện quản lý nhà nước về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm về việc sử dụng lao động tại các công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động tại các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia hoạt động trên địa bàn do địa phương quản lý.
Các địa phương có biện pháp cụ thể khuyến khích các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho đối tượng là học sinh, sinh viên trước khi được cấp bằng tốt nghiệp theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 31/2015/NĐ CP, nhằm giúp người học tăng cơ hội việc làm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia thực hiện chỉ đạo của Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan chủ quản và chủ động triển khai hoạt động đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia theo lịch trình đã công bố bảo đảm hiệu quả và đúng quy định. Trong trường hợp không tổ chức các kỳ đánh giá theo lịch trình này, phải có văn bản báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn và thông báo trên website của đơn vị trước ngày 20 của tháng đó; tiếp tục rà soát công tác tổ chức, quản trị tổ chức đánh giá của đơn vị mình theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả...
Ngoài ra, các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cần chủ động, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để tuyên truyền, tư vấn, tham vấn, khích lệ các doanh nghiệp thực hiện công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đồng thời có các giải pháp tăng cường mạnh mẽ thu hút người lao động tham gia đánh giá, thực hiện đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động...
Ban hành kèm công văn là lịch trình tổ chức các kỳ đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia trên toàn quốc.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)