Không để trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ
Mang tật vì lạm dụng điện thoại, máy tính
Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) ở sát đường, phương tiện giao thông qua lại nhiều. Lo con nhỏ chạy nhảy ra đường chơi nguy hiểm nên chị thường mở ti vi, máy tính, điện thoại để con ngồi chơi, xem trong nhà. Đã thành thói quen, năm nay học lớp 2 nhưng ngoài giờ học, giờ ăn, con chị thường chăm chú vào ti vi, máy tính.
![]() |
Học sinh TP Bắc Giang học trực tuyến. |
Gần đây thấy con liên tục dụi mắt, nháy mắt và cô giáo phản ánh thường xuyên chép sai do nhìn chữ trên bảng không rõ, đưa con đi khám, gia đình mới biết cháu đã bị cận nặng. Nhiều phụ huynh khi bận rộn hoặc muốn con bớt nghịch ngợm, dễ ăn uống… bằng cách cho chơi điện thoại, ipad, xem ti vi. Đồng thời việc học trực tuyến trong tình hình dịch Covid-19 cũng khiến trẻ tiếp xúc thường xuyên với những thiết bị này.
Theo các nghiên cứu khoa học, trẻ sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều, quá lâu mà không ra ngoài vận động dễ bị cong vẹo, lệch cột sống. Khi xem, nhất là chơi game, trẻ phải chú tâm dõi theo những hình ảnh chuyển động liên tục dẫn đến căng thẳng, mỏi mắt, đau đầu, có thể mắc tật cận thị, loạn thị, thị lực giảm sút, ảnh hưởng đến trí não.
Thực tế, không ít trẻ chưa học lớp 1 hoặc mới nhập học đã bị cận thị. Trẻ sử dụng máy tính, thiết bị di động quá lâu còn có thể dẫn đến béo phì do ít vận động, rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra sóng điện từ phát ra từ các thiết bị này có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, khiến trẻ mệt mỏi, ngủ không sâu giấc. Cùng đó còn làm giảm sự phát triển tư duy, khả năng sáng tạo của trẻ và hứng thú trong học tập các kỹ năng cộng đồng, tiếp xúc với bên ngoài.
![]() |
Lớp học trực tuyến của học sinh tại TP Bắc Giang. |
Chị Nguyễn Thị Minh, thị trấn Vôi (Lạng Giang) chia sẻ: Hai năm nay, do dịch bệnh nên nhiều thời điểm nhà trường tổ chức học online, con trai chị học lớp 8 thường xuyên sử dụng máy vi tính và mạng Internet. Vợ chồng chị bận đi làm nên con ở nhà sử dụng máy vi tính để học hay làm gì cũng không biết.
Nhiều hôm 12 giờ trưa đi làm về thấy con vội tắt máy; có đêm khuya vẫn thấy con ngồi trước màn hình vi tính, khi kiểm tra mới phát hiện đang chơi game. Chị Minh lo lắng: “Không biết có phải do ảnh hưởng từ những thiết bị này mà cháu lúc nào cũng mệt mỏi, đờ đẫn, không tập trung khi học bài hay làm những việc bố mẹ sai bảo”.
Theo khảo sát của ngành Y tế tỉnh, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh mắc bệnh về mắt tăng cao, riêng cận thị học đường chiếm khoảng 20%. Số trẻ em bị cận thị nhiều nhất ở khu vực đô thị dù trường, lớp học ngày càng khang trang, hệ thống chiếu sáng phòng học được cải thiện.
Nắm bắt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các phòng khám chuyên khoa mắt ngoài công lập, tỷ lệ học sinh đến khám, điều trị tật khúc xạ chiếm 30-40% số bệnh nhân mỗi ngày. Theo bác sĩ Đặng Văn Hòa, Phó trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh): “Tỷ lệ học sinh mắc bệnh về mắt, nhất là cận thị ngày càng tăng. Bên cạnh do ánh sáng, bàn ghế và tư thế ngồi học không phù hợp, một nguyên nhân quan trọng hiện nay là các em thường xuyên xem ti vi, điện thoại, máy tính, đọc truyện chữ in nhỏ”.
Giúp trẻ sử dụng thiết bị lành mạnh, an toàn
Để con trẻ phát triển toàn diện, bác sĩ khuyên các bậc phụ huynh không nên cho trẻ xem ti vi hay chơi iPad, điện thoại và sử dụng các thiết công nghệ quá lâu. Thời lượng phù hợp với trẻ dưới 6 tuổi là xem 1 giờ/ngày, tối đa dưới 3 giờ/ngày và không nên xem kéo dài cùng lúc. Trong điều kiện hiện nay, trẻ thường xuyên học trực tuyến nên cần điều chỉnh việc học phù hợp, an toàn.
Với 45 phút học online, trẻ nhìn liên tục vào màn hình và giờ giải lao hay các trò chơi, tương tác đều thực hiện thông qua màn hình cùng với ngồi học sai tư thế dễ làm trẻ cong vẹo cột sống. Vì thế, các trường tiểu học nên bố trí mỗi ngày học trực tuyến không quá 3 tiếng; học sinh THCS không quá 4 tiếng và cần có khoảng nghỉ giữa các tiết học.
Để con trẻ phát triển toàn diện, bác sĩ khuyên các bậc phụ huynh không nên cho trẻ xem ti vi hay chơi iPad, điện thoại và sử dụng các thiết công nghệ quá lâu. Thời lượng phù hợp với trẻ dưới 6 tuổi là xem 1 giờ/ngày, tối đa dưới 3 giờ/ngày và không nên xem kéo dài cùng lúc. Trong điều kiện hiện nay, trẻ thường xuyên học trực tuyến nên cần điều chỉnh việc học phù hợp, an toàn. |
Thầy giáo Trần Đình Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 3 cho biết: Nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để linh hoạt thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, yêu cầu thầy cô phối hợp chặt chẽ với gia đình quản lý việc sử dụng máy tính, điện thoại của học sinh, giám sát và nhắc nhở các em dùng thiết bị công nghệ đúng cách, thời gian hợp lý để hiệu quả, an toàn.
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên giúp trẻ điều chỉnh độ sáng của màn hình điện thoại, máy tính phù hợp với ánh sáng trong nhà. Bàn học nên đặt ở vị trí vuông góc với cửa sổ để tận dụng ánh sáng tự nhiên; màn hình máy tính nên chếch góc 15 độ, không để ngang mặt hay cao quá đối với trẻ; khoảng cách giữa màn hình và mắt từ 60 - 80 cm.
Đồng thời nhắc con nghỉ ngơi 5 - 10 phút sau 30 - 40 phút học tập trên máy vi tính, xem ti vi hoặc chơi trò chơi điện tử không quá 2 giờ/ngày; hướng dẫn các động tác về mắt như đảo mắt, mở to, nhắm mắt, xoa tay áp lên mắt trong thời gian giải lao và tham khảo bác sĩ nhãn khoa để bổ sung thuốc nhỏ mắt thích hợp cho trẻ.
Theo bác sĩ CK II Bùi Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa cấp cứu Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh), để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong thời gian học online, ngoài chế độ dinh dưỡng thường ngày cần bổ sung một số vitamin và vi chất dinh dưỡng tốt cho mắt như vitamin A, vitamin C, vitamin E và axit béo omega. Tốt nhất nên bổ sung các loại vitamin này ở dạng tự nhiên trong thực phẩm như: Cà rốt, củ dền, xoài, đu đủ, trái cây họ cam quýt, rau lá xanh, hạnh nhân, quả óc chó, trứng, cá...
Cùng đó, quan tâm nhắc trẻ ngủ 8- 10 giờ mỗi ngày; tránh sa đà xem, chơi các chương trình không lành mạnh trên mạng xã hội. Sau mỗi giờ học, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, vận động luyện tập thể dục thể thao. Cha mẹ nên dành thời gian chơi, trò chuyện với con; tổ chức những hoạt động cân bằng giữa học tập, sinh hoạt và vui chơi, tạo cho trẻ giao tiếp nhiều hơn với người trong gia đình, bạn bè và giúp đỡ việc nhà để nâng cao kỹ năng sống.
Bài, ảnh Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)