Công an Bắc Giang ứng dụng và phát triển dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số
Dữ liệu dân cư được xem là nền tảng, một trong các tài nguyên quan trọng trong chuyển đổi số mà ở đó lấy người dân làm trung tâm. Mục tiêu xây dựng dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” có ý nghĩa quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đồng thời, phục vụ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), góp phần tiết kiệm, chống lãng phí.
![]() |
Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) làm hồ sơ cấp CCCD và hướng dẫn người dân đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử. |
Năm 2021, 2022, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 song lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (TTXH), Công an tỉnh đã có nhiều cố gắng, thực hiện thủ tục cấp CCCD và xác thực định danh điện tử cho công dân.
Thiếu tá Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH (Công an tỉnh) cho biết: “Nhằm phục vụ việc phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của đơn vị đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử”.
Gần 2 năm qua, lực lượng công an đã triển khai bài bản, quyết liệt. Kết quả, Công an tỉnh đã triển khai thu nhận hơn 1,4 triệu hồ sơ cấp CCCD có gắn chip điện tử, cấp mã số định danh cá nhân cho các công dân. Tại bộ phận một cửa của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trung tá Nguyễn Văn Nhuận cùng các CBCS của đơn vị dù hết giờ cũng chưa ngớt việc.
Hồ sơ xếp thành tập dày trên bàn, các CBCS tận tình hướng dẫn, liên tục lấy vân tay, nhập dữ liệu, kiểm tra thông tin. Trung tá Nhuận nói: “Đợt cao điểm, anh em tăng ca, làm ngoài giờ, làm cả thứ Bảy, Chủ nhật, vừa hoàn thiện hồ sơ cấp CCCD, vừa hướng dẫn họ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử”.
Nhằm phát huy hiệu quả của cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Việc sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định.
Bảo đảm dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Mục tiêu năm 2022 là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tối thiểu 20 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động,...) để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đơn giản hóa TTHC.
Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, ngay sau khi có chỉ đạo, Bắc Giang là một trong số địa phương đầu tiên triển khai Đề án số 06 ở cấp tỉnh. Công an tỉnh với vai trò thường trực đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập Tổ công tác Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn là Tổ trưởng, các đồng chí: Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh là Tổ phó Thường trực; Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh là Tổ phó. Lãnh đạo các sở, ngành như: Văn phòng UBND tỉnh, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh... là thành viên.
Theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, các thành viên phối hợp với Công an tỉnh nghiên cứu, kết nối, chia sẻ dữ liệu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ giải quyết TTHC liên quan. Từ đó phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính không cần mang theo nhiều loại giấy tờ, cắt giảm thời gian tiếp nhận, trả kết quả.
Song song với việc thành lập Tổ công tác, Công an tỉnh cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản định danh cá nhân và xác thực điện tử. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch hành chính, dịch vụ công. Chỉ đạo lực lượng công an cấp xã sẵn sàng tinh thần, đồng loạt ra quân, phối hợp với các ngành chức năng, tham mưu với cấp ủy triển khai các nội dung, chương trình đã đề ra.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)