Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Tạo động lực cho người dân tự thoát nghèo
Trong vai trò cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ&TBXH) trao đổi về những biện pháp và định hướng giảm nghèo.
Xin ông cho biết những giải pháp nào đã được triển khai thực hiện để đạt kết quả này trên toàn tỉnh?
![]() |
Ông Trương Đức Huấn. |
Biện pháp đi trước một bước là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, phương thức hỗ trợ giảm nghèo. Tuyên truyền đi vào chiều sâu đã giúp người dân nhận thức tốt hơn, chủ động và tích cực, mong muốn tự phát huy nội lực, nhất là những hộ có lao động đã cố gắng cao hơn nhiều trong làm ăn, sẵn sàng đối ứng để làm ra tấm ra món chứ không thụ động, trông chờ.
Cùng đó là công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, đánh giá được quan tâm. Phân định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã là nơi gần dân nhất; yêu cầu cấp xã phải có phương án giảm nghèo cụ thể triển khai đến hộ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và có sự vào cuộc mạnh mẽ của các đoàn thể trong công tác giảm nghèo như phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi đã làm tăng động lực cho các địa phương trong công tác giảm nghèo.
Đối với 125 hộ chính sách, người có công, ngoài công tác tuyên truyền, vận động các hộ nỗ lực vượt khó, ngành còn vận động nguồn lực để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ trực tiếp về đời sống. Điều quan trọng nữa là triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người nghèo. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm 2019, các chính sách và nguồn lực hỗ trợ được triển khai sớm hơn.
Ví như chính sách hỗ trợ BHYT triển khai xong từ tháng 12-2018, nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ sản xuất ở 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng được ban hành từ kỳ họp cuối năm 2018; chính sách hỗ trợ dạy nghề Sở tham mưu xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh từ tháng 12-2018 nên đầu năm 2019 triển khai được ngay. Lựa chọn đúng mô hình hỗ trợ, đó là những hộ dân có khả năng đối ứng, có lao động. Đầu tư xây dựng hạ tầng tiếp tục được quan tâm.
Mô hình giảm nghèo nào ông thấy hiệu quả và bền vững nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh?
Các mô hình giảm nghèo năm 2019 cơ bản phát huy hiệu quả tốt. Mô hình hiệu quả tốt có nhiều, trong đó phải kể đến nuôi bò sinh sản, trồng cây có múi, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, nuôi ong ở các huyện miền núi Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế.
Các mô hình có sự chuyển đổi về chất trong cách làm, đó là sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó là chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ; phát triển đô thị của tỉnh đã tạo nhiều việc làm, thu nhập và mang lại đời sống ổn định cho người dân. Công tác giảm nghèo ở cả 4 huyện miền núi đều được quan tâm, tỷ lệ và chất lượng giảm nghèo đều rất đáng ghi nhận.
Có thể nói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là giảm nghèo nhanh và bền vững được thể hiện ở các mặt, đó là: Tỷ lệ giảm bình quân chung toàn tỉnh đạt 2,2%, trong đó các huyện miền núi giảm từ 3-4%, tỷ lệ tái nghèo dưới 0,6%; hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ cơ bản ở Bắc Giang rất thấp. Số hộ nghèo ở các huyện miền xuôi của tỉnh chủ yếu là hộ thuộc diện bảo trợ xã hội (không có lao động).
Gần đây, trong nước và trong tỉnh có một số gia đình tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Theo Sở nắm bắt, số lượng hộ nghèo tự nguyện xin rút khỏi danh sách của tỉnh năm nay có nhiều không? Ông nhìn nhận như thế nào về việc tự nguyện xin thoát nghèo của các hộ?
Con số thống kê chưa đầy đủ nhưng riêng năm nay, các huyện miền núi đều có nhiều hộ tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo, như: Sơn Động có hơn 200 hộ, Lục Ngạn 60 hộ, Yên Thế 10 hộ…
![]() |
Nhờ thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được cải thiện đáng kể. Ảnh:Cấp thuốc cho người bệnh tại Trạm Y tế xã An Lập (Sơn Động).
|
Sự tự nguyện này có được nhờ nhận thức của người dân thực sự chuyển biến, ý thức tự lực, tinh thần quyết tâm vượt khó rất cao. Cách làm của Bắc Giang những năm gần đây là chuyển dần từ phương thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có sự tham gia của người dân, đó là: Hỗ trợ đào tạo nghề, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm; cho vay vốn ưu đãi lãi suất. Chính sự thay đổi đó đã tác động tích cực đến người dân, các hộ tham gia có trách nhiệm hơn. Đây là kết quả đáng mừng có được từ các biện pháp giảm nghèo thiết thực.
Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,53%. Sở tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh những biện pháp gì để bảo đảm đạt mục tiêu đề ra và nhất là bảo đảm kết quả giảm nghèo bền vững, thưa ông?
Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ lâu dài, không chỉ trong vài năm hay một vài nhiệm kỳ. Với trách nhiệm của mình, Sở tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng các chương trình, đề án cho cả giai đoạn 2021-2025; tiếp tục nghiên cứu có cơ chế, cách làm mới để tạo động lực, khuyến khích người dân phát triển kinh tế, tự thoát nghèo; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, nông thôn, miền núi để giải quyết việc làm cho người dân.
Thúc đẩy các biện pháp phát huy vai trò của người dân trong giảm nghèo; đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ ở vùng khó khăn nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, y tế, học tập, thông tin… Đi đôi với các biện pháp giảm nghèo cần phải quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội đối với những người yếu thế, không thể thoát nghèo do không có lao động, đặc biệt là trẻ em.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc (0)