Chuẩn bị trước cuộc sống khi về già
Trẻ cậy cha, già cậy...
Đến thôn Hoàng Phúc, xã Đồng Phúc (Yên Dũng), nhiều người ái ngại với hoàn cảnh vợ chồng ông Hà Văn H (79 tuổi), bà Lê Thị Đ (78 tuổi). Hằng ngày hai ông bà lủi thủi tự lo cơm nước, chi tiêu chủ yếu trông vào mấy luống rau tăng gia. Ông bà có 3 con đều lập gia đình song đi làm ăn, sống ở xa nên cả năm mới về thăm bố mẹ một lần vào dịp Tết. “May mà trời thương, chưa bắt đau ốm cùng lúc nên vẫn có người này chăm sóc người kia. Con cháu ở xa, cuộc sống cũng không khá giả, vả lại vợ chồng tôi cũng không muốn làm gánh nặng cho con, đành tự xoay xở”, ông H chia sẻ.
![]() |
Nhiều người cao tuổi ở tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) có thói quen đọc báo mỗi ngày. |
Ba năm nay, bà Nguyễn Thị N (69 tuổi) ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) nhận làm việc nhà, vệ sinh theo giờ, chăm sóc người già cho các gia đình có nhu cầu thuê. Trước khi có dịch bệnh, trung bình mỗi tháng bà N có khoản thu khoảng 4 triệu từ công việc này, phần nào giúp trang trải cuộc sống và có chút tích lũy. Chồng mất sớm, hai con gái đã yên bề gia thất nên những lúc đau ốm, không nhúc nhắc được bà mới gọi các con. Bà N nói: “Sống ở quê, lại không có lương hưu hay tham gia bảo hiểm nên giờ còn khỏe mạnh thì cố làm, trước là rèn luyện sức khỏe, sau còn có khoản tiết kiệm phòng khi đau ốm”.
Năm 2011, nước ta chính thức bước vào quá trình già hóa dân số với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ NCT ở nước ta chiếm khoảng 12,9% dân số và đến năm 2050 là 23%, trở thành quốc gia có dân số “siêu già”.
Còn tại Bắc Giang, theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ NCT tăng dần qua các năm, từ hơn 8,7% năm 2009 lên khoảng 14% năm 2020. Theo bà Lê Tố Quyên, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tốc độ già hóa dân số diễn ra quá nhanh đang và sẽ đặt ra thách thức lớn với hệ thống y tế và chính sách an sinh xã hội.
Tăng mức trợ cấp, xây dựng mô hình chăm sóc tự nguyện
Toàn tỉnh hiện có hơn 281,6 nghìn hội viên NCT, sinh hoạt ở hơn 4,9 nghìn chi, tổ hội, tỷ lệ tập hợp đạt 98,7%. Qua khảo sát của các cấp hội, 70% NCT sống ở nông thôn, làm nông nghiệp, không có lương hưu, trợ cấp và các khoản tích lũy khác, nhiều người vẫn phải lao động kiếm sống.
Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Y dược LanQ dự án xây dựng Khu an dưỡng - Dưỡng lão, chăm sóc NCT. Với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng, công trình có diện tích hơn 23,6 nghìn m2 tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang), dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6/2023, đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho khoảng 500 NCT. |
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm cải thiện đời sống NCT với việc tăng mức trợ cấp xã hội hằng tháng. Theo Nghị định 20, ngày 15/3/2021 của Chính phủ, NCT không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng, từ đủ 80 tuổi trở lên được hỗ trợ 360 nghìn đồng/người/tháng (trước đó là mức 270 nghìn đồng/tháng). Ngoài ra, NCT thuộc từng đối tượng khó khăn cụ thể sẽ được trợ cấp hằng tháng với các mức từ 360 nghìn đến 1,08 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, hiện mới có hơn 21% NCT toàn tỉnh được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng. Để chia sẻ khó khăn, cải thiện đời sống NCT, nhiều ý kiến cho rằng, các cấp, ngành chức năng nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ nâng mức trợ cấp hằng tháng với NCT không có lương, không được hưởng bảo trợ xã hội hằng tháng; đồng thời hạ độ tuổi hưởng trợ cấp với người từ 80 tuổi hiện nay xuống còn 75 tuổi.
Thực tế, hầu hết NCT chưa từng nghĩ cho tuổi già từ khi còn trẻ, thậm chí không ít người sau khi chia hết tài sản cho con trở nên mất vị thế trong gia đình. Nguyên nhân từ quan niệm "trẻ cậy cha, già cậy con" đã ăn sâu trong mô hình gia đình truyền thống đa thế hệ. Hầu hết NCT cho rằng, chỉ cần đầu tư cho con, đến khi trưởng thành, con cái sẽ có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, ông bà.
Thêm nữa, về tuổi thọ, dù NCT Bắc Giang đạt ở mức trung bình khá cao (73,4 tuổi), xấp xỉ mức bình quân của cả nước (73,6 tuổi) nhưng theo đánh giá của ngành y tế, chất lượng sức khỏe lại ở mức thấp. Trong tổng số hơn 232 nghìn NCT (từ 60 tuổi trở lên) của toàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 6% NCT có sức khỏe tốt, còn lại là trung bình và yếu. Mỗi NCT đều có thể mắc từ 2-3 bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa xương khớp, suy giảm trí nhớ...
Ông Nguyễn Bá Thục, Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho rằng, không ai tránh được tuổi già nhưng để có tuổi già thư thái, được yêu thương, chăm sóc phù hợp thì mỗi NCT nên chủ động chuẩn bị mọi mặt, nhất là tài chính ngay từ khi còn trẻ. Nếu có khoản thu nhập ổn định như lương hưu, tích lũy từ làm thêm, kinh doanh hoặc có tài sản thì đó sẽ là hình thức để NCT bảo đảm cho cuộc sống của mình.
Vấn đề đặt ra là các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ lúc về già. Mở rộng diện bao phủ, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tới mọi người, trong đó có NCT. Với vai trò tập hợp, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần bậc cao niên, các cấp hội NCT trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, dành nguồn kinh phí hỗ trợ hội viên hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao giúp người già sống vui, sống khỏe; phối hợp, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng những mô hình chăm sóc NCT theo hình thức dịch vụ tự nguyện.
Ý kiến bạn đọc (0)