Chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục
BẮC GIANG - Ngày 19/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Cổng thông tin điện tử Chính phủ. |
Trước khi bắt đầu hội nghị, toàn thể đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân.
Chất lượng giáo dục được nâng lên
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2023 - 2024 là thời điểm quan trọng hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu về GD&ĐT đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025. Toàn ngành giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và đề xuất định hướng phát triển GD&ĐT trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển GD&ĐT. Bộ GD&ĐT đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục trên phạm vi cả nước. Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Bộ GD&ĐT đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế và công bằng cho các đối tượng thí sinh. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ; các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Tiểu biểu như: Đoàn Việt Nam giành 1 giải Nhì tại hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024. Học sinh tham dự các đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực đạt 10 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. Trong đó, đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự; đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế đứng thứ 2/89 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng thiếu giáo viên, việc tuyển dung của một số tỉnh, thành phố còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Năng lực ngoại ngữ, tin học của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, chưa thường xuyên tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông còn bất cập, còn diễn ra tình trạng thiếu trường, lớp ở một số địa phương, đặc biệt tại các khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa phù hợp với tiêu chuẩn trường học.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên còn hạn chế. Nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
|
Quang cảnh điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Góp phần làm nên những thành tích chung của ngành giáo dục, năm học vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo đà cho chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước tiến vượt bậc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,76%, xếp thứ 15 toàn quốc (tăng 1 bậc so với năm 2023). Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 7 toàn quốc về số lượng giải và thứ 9 về số lượng giải Nhất. Trong kỳ thi Olympic Vật lí châu Á, tỉnh Bắc Giang có 1 học sinh đoạt Huy chương Vàng và 1 học sinh đoạt Huy chương Đồng. Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic quốc tế năm 2024, tỉnh Bắc Giang có 3 học sinh đoạt Huy chương Vàng ở môn Vật lí và Hóa học.
Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo bứt phá cho sự nghiệp giáo dục.
Nêu 10 điểm sáng nổi bật trong kết quả năm học 2023 - 2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra; công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được chú trọng, đạt kết quả toàn diện.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành giáo dục, nhất là trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu; chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu...
Chỉ rõ các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, phân tích về bối cảnh tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển GD&ĐT.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi; tập trung tổ chức triển khai Kết luận số 91- KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng chí nhấn mạnh năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức tốt kỳ thi.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học. Cùng đó, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên; tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học.
Trước thềm năm học mới 2024-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp "trồng người"; học sinh, sinh viên luôn là con ngoan, trò giỏi, thực hiện thành công những ước mơ, hoài bão, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Tin, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)